Thông báo của UNICEF cho biết tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt nắng nóng sẽ còn tăng lên trong tương lai do vấn đề biến đổi khí hậu. Trong số các khu vực, Nam Á có tỷ lệ trẻ em tiếp xúc với nhiệt độ cực cao cao nhất, với 76% trẻ em ở dưới 18 tuổi trong khu vực, khoảng 460 triệu người.
Trong khi đó, xét trên toàn cầu, tỷ lệ trẻ em chịu ảnh hưởng ở mức độ này là 32%. Theo UNICEF, trẻ em ở Afghanistan, Bangladesh, Ấn Độ, Maldives và Pakistan có "nguy cơ vô cùng cao" trước tác động của biến đổi khí hậu, khi có hơn 83 ngày trong một năm nhiệt độ ở mức 35 độ C.
Theo các chuyên gia, thế giới cần hành động ngay, nếu không những em nhỏ này sẽ tiếp tục phải gánh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của những đợt nắng nóng thường xuyên và khắc nghiệt hơn trong những năm tới.
Giám đốc phụ trách khu vực Nam Á của UNICEF Sanjay Wijesekera nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu như đang bị nung nóng, những dữ liệu trên cho thấy rõ ràng rằng cuộc sống và sức khỏe của hàng triệu trẻ em trên khắp Nam Á đang ngày càng bị đe dọa do các đợt nắng nóng và nhiệt độ tăng cao.
Ông Wijesekera nêu rõ: "Chúng ta cần hành động ngay bây giờ, nếu không những em nhỏ này sẽ tiếp tục phải gánh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của những đợt nắng nóng ngày một thường xuyên hơn và khắc nghiệt hơn trong những năm tới".
Các nhà khoa học cho biết thế giới sẽ cần phải thích nghi với sức nóng và các tác động khác do biến đổi khí hậu gây ra. Giới chuyên gia cũng kêu gọi thế giới cần cắt giảm đáng kể lượng khí thải carbon - tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu - trong thập kỷ này để ngăn chặn những điều tồi tệ hơn xảy đến trong tương lai.