Nhóm học sinh Nguyễn Trần Tiến, Trần Thị Kiều Trang, Võ Thị Mỹ Trâm, Phan Quốc Huy, Trần Lê Anh Đức, Trần Thái Minh Quang (lớp 11, Trường THPT Cao Thắng, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã chế tạo thành công sản phẩm gạch polymer từ nhựa thải nhưng có chất lượng tương đương với gạch block thông thường.
Các thành viên nhóm trong phòng thực hành – Ảnh: C.T.
Gạch polymer của nhóm là loại gạch không nung, được làm ra bởi 4 nguyên liệu là xi măng, cát sạn (hỗn hợp giữa cát và sạn), nhựa xay, nước. Nhóm học sinh đã thu gom rác thải nhựa (như vỏ tivi, vỏ máy tính, bàn chải đánh răng, bàn phím, con chuột máy tính…), rửa sạch và cắt nhỏ. Sau đó, phối trộn với xi măng, cát sạn và nước rồi đổ vào khuôn, tạo ra gạch.
Nhóm có 4 mẫu thực nghiệm với tỉ lệ trộn nhựa khác nhau. Như với mẫu có 0,85 kg xi măng, 300 gr nhựa và 7,5 kg cát, nước, các em đã làm nên sản phẩm “gạch nhựa” block đặc khối lượng 9,8 kg, có kích thước 100 x 185 x 280 mm. Hoặc với lượng xi măng trên, lượng nhựa tăng lên 600 gr, cát giảm còn 6 kg và nước thì tạo ra sản phẩm gạch block tương tự với trọng lượng 9,4 kg…
Bắt tay vào làm ngay, sau giờ học, cả nhóm chia nhau tiến hành thu gom tất cả các loại rác thải được làm từ nhựa. Lục tung bãi rác, thùng rác, rồi các bạn gõ cửa từng nhà, từng hàng quán để xin về.
Lượng rác thải nhựa thu về khá lớn trở thành nguyên liệu chính để làm gạch. Rác thải được rửa sạch, cắt nhỏ, trộn cùng ximăng, cát sạn và nước, cho vào khuôn đúc (dùng để đúc gạch bêtông thủ công), ép tạo hình từng viên.
“Nếu sản phẩm được người dân tin dùng, mình nghĩ đây sẽ là một nguồn tài nguyên quý, nhiều ưu điểm. Đồng thời, chúng ta sẽ không còn đau đầu khi nghĩ cách nào để xử lý rác thải nhựa như trước đây” – một thành viên đầy tự tin nói.
Quá trình thử nghiệm gặp không ít khó khăn khi 6 thành viên đều là học sinh, không có nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm trong việc sản xuất. Gạch polyme là loại gạch làm từ 4 nguyên liệu là ximăng, cát sạn, nhựa xay và nước.
Điều đặc biệt của loại gạch này chính là ở chỗ không cần nung. Sau khi đúc tạo hình cho viên gạch, chúng sẽ được phơi ngoài trời trong vòng 1 tháng. Đo chất lượng sản phẩm là công đoạn bắt buộc cuối cùng trước khi đưa sản phẩm vào tiêu dùng.
Để đảm bảo yêu cầu chất lượng, nhóm thực nghiệm dưới 4 mẫu cùng một mẫu đối chứng. Mẫu thực nghiệm là mẫu có trộn nhựa theo nhiều tỉ lệ (nhựa chiếm khoảng 300-600 gam/1 sản phẩm đặc có khối lượng từ 7kg đến gần 10kg). Kích thước từng mẫu đạt 100 x 185 x 280mm. Riêng mẫu đối chứng là những viên gạch đang sử dụng trên thị trường.
Tiến cho biết kết quả kiểm tra về cường độ chịu nén, lực phá hoại, cường độ trung bình (MPa)… theo tiêu chuẩn phương pháp thí nghiệm TCVN 6477-2016 (tiêu chuẩn quốc gia về gạch bêtông) được thực hiện tại một công ty ximăng trong vùng thì có hai mẫu đạt yêu cầu.
Đánh giá cao về sự sáng tạo trong việc sử dụng hạt nhựa thải nhằm bảo vệ môi trường nhưng vẫn tạo ra sản phẩm hữu ích cao, đề tài của nhóm đã được hội đồng giám khảo cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh Thừa Thiên – Huế chọn trao giải ba vào đầu năm nay.
Sắp tới, nhóm sẽ nghiên cứu thử nghiệm xây dựng công thức phối trộn đưa lượng nhựa thải vào nhiều hơn trong một viên gạch, thay thế một lượng cát, sạn để tạo vật liệu mới nhẹ hơn, bền hơn…
Ngọc Ánh (T/h)