Dấu ấn của thời khẩn hoang mở cõi đã ăn sâu hình thành lối sống chân chất, bình dị, hào phóng của người dân miền Tây, đồng thời hình thành những nét văn hóa đặc trưng. Hương vị Tết ĐBSCL cũng là một nét chấm phá độc đáo trong dòng chảy văn hóa miền Tây sông nước.
Dỡ chà, tát đìa bắt cá ăn Tết
Ngày Tết ở bất cứ gia đình nào, dù nghèo hay giàu, trong nhà phải chuẩn bị chu đáo những món ngon đậm hương vị đặc trưng. Nếu miền Bắc có thịt đông và bánh chưng thì mỗi gia đình Nam Bộ nói chung và miền Tây nói riêng luôn có nồi thịt kho và bánh Tét. Đó là hai món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết.
Trên mâm cơm ngày Tết còn có món thịt kho tàu ăn kèm dưa giá hoặc dưa củ kiệu. Tô thịt đơn giản nhưng thể hiện triết lý âm dương với hình ảnh những quả trứng tròn (dương) bên những miếng thịt hình vuông (âm), biểu tượng sự hài hòa âm dương, vuông tròn; thể hiện mong ước một năm mới trọn vẹn, may mắn, gặt hái nhiều thành công.
Gần Tết, nhiều nông dân ĐBSCL còn tát đìa, dỡ chà bắt cá tôm làm phong phú thêm các món ăn ngày Tết. Đây được xem là nét đặc trưng chỉ ĐBSCL mới có. Trước đây, hầu như nhà nào ở miền Tây cũng có ít nhất một cái đìa (ao – NV) hay cái mương trũng để mùa nước lớn cá các nơi đổ về. Đến khi nước rút, cá vẫn trú lại sinh sản. Chỉ cần bỏ mấy nhánh cây khô, mấy bụi lục bình, đã trở thành nơi lưu trú lý tưởng cho bầy cá.
Cận Tết, hàng xóm láng giềng xúm lại tát cho cạn mấy cái đìa trong xóm để ăn Tết. “Hôm nay tát bên tui, ngày mai qua tới bên ông. Còn ngày mốt qua nhà chú Bảy”. Cứ như thế cả xóm chung tay xúm xít tát đìa thể hiện tinh thần đoàn kết, thắt chặt tình làng. Dẫu biết nhà nào cũng có đìa, có cá; nhưng hễ tát đìa xong người ta thường đem cá cho nhau. Cá bắt được, loại nào lớn bán kiếm tiền sắm Tết, loại nhỏ giữ lại mớ ăn Tết, mớ làm khô dành đãi khách ba ngày Tết.
Dần dần nguồn cá tự nhiên không còn nhiều; các ao, đìa cũng ít lại; người miền Tây chuyển qua cách bắt cá truyền thống khác là dỡ chà. Ở những vùng quê, hầu như nhà nào cặp mé sông cũng đều chất chà cặp bến “dụ” cá. Thường người ta bó những nhánh trâm bầu, cây tre chất ở mé sông làm nơi trú ẩn cho cá. Chừng 2 – 3 tháng, dùng lưới bao quanh dỡ chà bắt cá.
Phong tục đậm tính cách miền Tây
Với người miền Tây, Tết trước hết là hướng đến cội nguồn tổ tiên, sau là sum họp gia đình. Vì thế, dịp Tết nhiều gia đình đi tảo mộ, dọn dẹp, tân trang phần mộ của người đã khuất để mời tổ tiên cùng về ăn Tết.
Từ sáng sớm, mọi người trong nhà đều tập trung sắm sửa, chuẩn bị. Phụ nữ lo bếp núc với các món ăn, đàn ông chuẩn bị đồ thờ cúng. Theo nhà nghiên cứu văn hoá Nam Bộ Trương Ngọc Tường: “Gọi là ăn Tết, bởi người sống nghỉ Tết, ăn Tết, chơi Tết, chúc Tết, nhưng cúng trong ba ngày Tết là cúng cho tổ tiên, ông bà. Mình no đủ, vui vẻ trong mấy ngày Tết thì tổ tiên, những người đã khuất cũng phải no đủ trong ngày Tết”.
Ngày 30 tháng Chạp làm mâm cơm “rước ông bà”. Từ đó khói nhang trên bàn thờ luôn nghi ngút. Trước giao thừa, cúng gia tiên mời ông bà tổ tiên về ăn cơm, vui Tết với con cháu. Đến ngày mồng ba Tết thì làm lễ “đưa ông bà”.
Ba ngày Tết là ba ngày vui chơi, ăn uống, thăm viếng, chúc nhau những điều mới mẻ, tốt lành. Một tập quán phổ biến là trong những ngày đầu năm, mọi người chỉ nói ra những lời hay, ý đẹp, gặp nhau chào mừng, hy vọng mọi điều như ý. Bao điều không vui, không vừa lòng năm trước đều bỏ đi. Mọi người đi hết nhà này lại sang nhà khác, hết xóm này lại sang xóm khác chúc Tết và uống với nhau ly rượu, ly trà đầu năm. Tết ở miền Tây là vậy, nhộn nhịp nhưng ấm áp tình làng nghĩa xóm.
Tết ở miền Tây nhộn nhịp nhưng ấm áp tình làng nghĩa xóm
Nhắc đến Tết quê ở miền Tây, điều đáng trông đợi và được xem là vui nhất là đêm 29 và 30 tháng Chạp. Mọi người thức đón giao thừa, ăn uống, trò chuyện… vui vầy. Ngồi quây quần bên ánh lửa bập bùng nồi bánh tét rồi kể cho nhau nghe nhiều kỉ niệm; những hồi ức xa xưa về tổ tiên, ông bà đã khuất để cho con cháu đời sau hiểu. Những đứa trẻ thường được giao nhiệm vụ canh nồi bánh Tét. Chúng ngồi canh rồi kháo nhau đủ thứ trò con nít như tô vẽ thêm nét độc đáo ngày Tết miền quê. Người kể, người nói, tiếng cười, làm ấm thêm không khí gia đình.
Nhiều địa phương ở miền Tây còn có phong tục nấu chè tông giao thừa và coi như món ăn tượng trưng cho sum họp, thể hiện sự đầm ấm, ngọt ngào, hạnh phúc. Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường tâm sự: “Nhà tôi thường nấu chè chiều 30, ăn xong còn đi tưới cây. Ở miền Nam không có tục hái lộc đầu năm mà chiều 30 ra tưới cây, hoa kiểng ngoài vườn. Tưới cây để trong ba ngày Tết không động tới cây cối gì hết và cũng không được bẻ cây hái trái trong ba ngày Tết”.
Và như thế, không khí, hương vị tết vùng ĐBSCL không quá cầu kỳ, khuôn sáo mà giản đơn phóng khoáng, ấm áp gia đình, thắm đượm tình làng nghĩa xóm giống như tính cách người dân nơi đây.
Chợ hoa Tết trên sông
Miền Tây gạo trắng nước trong, nơi có những cánh rừng tràm bạt ngàn xanh biếc, cánh cò bay thẳng cánh, vườn trái cây chín mọng, nơi những ngôi chở nổi làm say lòng biết bao du khách thập phương, hay tiếng hò vang bên dòng Tiền của cô lái đò níu chân bao lữ khách.
Do có truyền thống chưng các loại hoa quả trong ngày Tết nên trong những ngày giáp Tết, các chợ đều nhộn nhịp, bày bán nhiều hoa quả. Tại các chợ nổi trên sông, như: chợ nổi Long Xuyên, chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng) ghe thuyền đông đúc, đầy ắp các loại hoa quả đủ màu sắc.
Trong các loại cây cảnh, những năm gần đây có một loại khá thông dụng là cây tắc (giống quả chanh nhưng nhỏ chỉ cỡ đầu ngón tay cái và có vị ngọt hơn), tên tuy xấu nhưng gọi theo địa phương khác thì rất tốt. Đó chính là cây hạnh. Loại cây này có rất nhiều quả. Một chậu cây hạnh cao khoảng một mét có cả trăm trái quả là chuyện thường. Về hoa, 2 loại hoa phổ biến trong những ngày Tết là hoa mai và hoa vạn thọ.
Một loại quả không thể thiếu trong những ngày Tết và được tiêu thụ mạnh nhất, đó là dưa hấu. Dưa hấu được chọn từng cặp loại quả to, cân đối, tròn trịa chưng trên bàn thờ tổ tiên. Loại dưa nhỏ hơn dùng dần sau bữa cơm hoặc đãi khách. Hầu như địa phương nào ở Tây Nam bộ cũng trồng được dưa hấu, kể cả xứ nước mặn như Cà Mau. Trước đây, bà con chuộng giống dưa ruột đỏ nay cũng chuộng giống dưa ruột vàng. Khi chưng loại quả này, người ta không căn cứ vào cái tên mà căn cứ vào màu đỏ của ruột tượng trưng cho sự may mắn, thắng lợi hoặc màu vàng tượng trưng cho sự giàu có, sang trọng; sâu xa hơn là ý nghĩa câu chuyện An Tiêm sống tự lập.
Hoàng Nguyên