(Moitruong.net.vn) – Trước đây, nhiều người vẫn ví von sự ô nhiễm của huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) là: “trên thuốc súng – dưới thuốc sâu” – có nghĩa là không khí thì bị ô nhiễm bởi thuốc súng của Trường bắn TB1, dưới đất thì nguồn nước bị ô nhiễm bởi thuốc sâu (phun: vải, cây có múi: cam, bưởi; nhãn…). Giờ mọi người lại có thêm câu: Trên thuốc súng, dưới thuốc sâu và xung quanh là rác.
Rác thải tràn ngập bốc mùi hôi thối ngay phía cổng trước Đài TT – TH Lục Ngạn
Vì quá ô nhiễm nên nhân dân đã biểu tình, ngăn xe, không cho xe đổ rác nữa. Để giải quyết tình thế, huyện Lục Ngạn liền nhờ huyện Sơn Động đổ rác một thời gian, nhưng rác nhà mình đi đổ nhà khác mãi sao được. Khi có dự án cải tạo bãi rác thải Đèo Váng, nhân dân trong vùng không tin vào chính quyền nữa, họ ngăn cản, xây tường che kín lối đi, lập bàn thờ Thổ công tại đó.
Thấy tình hình không ổn thì Lục Ngạn lại có dự án xây dựng bãi xử lý rác thải trên xã Tân Hoa (thôn Vặt Phú), từ khi dân tình nghe phong thanh có dự án đã phản đối quyết liệt, bất cứ cuộc tiếp xúc của lãnh đạo cấp huyện nào họ cũng tụ tập đông người để phản đối. Cách đây 1 thời gian, Phó Chủ tịch tỉnh Dương Văn Thái đi khảo sát về vấn đề giáo dục cũng như xử lý rác thải nông thôn ghé qua khu quy hoạch đã bị bà con vây kín từ xa để phản đối dự án bãi rác. Phương án xây dựng bãi xử lý rác thải không thành, huyện Lục Ngạn chuyển sang phương án xây dựng lò đốt rác theo công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, nhân dân thôn Vặt Phú (xã Tân Hoa) vẫn không đồng tình, họ đã từng giữ xe của đoàn khảo sát…. Vừa rồi, huyện Lục Ngạn đành phải làm việc với Quân khu 1, thương lượng xin đổ nhờ rác trong khu vực trường bắn đến hết năm 2018. Họ cũng đồng ý, nhưng xe chở rác của Công ty môi trường huyện mới đi qua khu vực Tân Hoa để vào Trường bắn đổ thì dân Vặt Phú (xã Tân Hoa), thôn Muối (Giáp Sơn) đã bắt giữ xe, đánh lái xe… Rồi phó Chủ tịch huyện là ông Lê Bá Thành cùng cấp dưới đến cũng bị giữ lại không cho về.
Những bao tải rác sinh hoạt được người dân vứt chất thành đống.
Vậy rác thải sinh hoạt ở huyện Lục Ngạn, cụ thể là ở thị trấn Chũ và những khu vực dân cư ven quốc lộ được đổ đi đâu? Do không có nơi tiếp nhận rác thải nên bất cứ nơi đâu có thể đổ rác được là người dân đổ ra. Dọc hai bên đường ngoài đặc sản bụi thì là muôn vàn bãi rác to, nhỏ. Đặc biệt hơn cả là ở khu vực xung quanh bờ hồ Thanh niên, Nhà Văn hóa huyện, khu đường bệnh viện, đài khí tượng kéo dài, ngã tư truyền hình, trước cổng Ngân hàng nông nghiệp huyện, khu vực chợ, trước Cung văn hóa thiếu nhi huyện – toàn là những địa điểm vốn là bộ mặt của huyện, lẽ ra phải sạch sẽ sáng sủa thì lại ngập tràn rác, bốc mùi hôi thối.
Rác tràn lan dưới gầm cầu Cát, xã Nghĩa Hồ, huyện Lục Ngạn.
Còn ngay trước cửa công ty môi trường và sau Công an huyện và huyện ủy là bãi rác to vật vã, thỉnh thoảng không đổ đi đâu được thì tổ chức đốt, khói bụi, mùi bay nghi ngút.
Thậm chí có thông tin cho rằng công ty môi trường sau khi thu gom còn thỉnh thoảng đổ trộm vào khu vực nông thôn, đổ xuống sông Lục Nam (sông Chũ).
Tiếng là đất kinh đô vải thiều, tiếng là thủ phủ hoa quả, vựa hoa quả của miền Bắc mà Lục Ngạn nhìn nhếch nhác kinh khủng. Chưa bao giờ thấy một phương tiện thông tin đại chúng nào đưa tin. Đôi khi cũng cần phải có sự phản ánh chân thực của báo chí chứ không nhất thiết lúc nào cũng vuốt ve, ca ngợi, chỉ nhìn thấy mặt tốt.
Thiết nghĩ, vấn đề rác thải của huyện Lục Ngạn muốn xử lý dứt điểm thì trước tiên huyện và chính quyền địa phương phải làm tốt công tác tuyên truyền, phải hợp lòng dân, phải giải thích rõ cho dân hiểu cái được và mất khi để tình trạng rác thải đổ tràn lan sẽ ảnh hưởng như thế nào tới sức khoẻ cũng như cuộc sống của người dân.
Đơn Thương