Theo ghi nhận thực tế, trung bình mỗi ngày trên địa bàn huyện Yên Phong phát sinh khoảng 180 - 200 tấn chất thải sinh hoạt, rác tồn động chủ yếu tại khu vực trung tâm huyện và các xã giáp ranh với khu, cụm công nghiệp, làng nghề, như thị trấn Chờ, xã Yên Trung, Long Châu, Đông Tiến, Đông Phong, Đông Thọ, Văn Môn…
Hầu hết người dân bước đầu đã phân loại rác tái chế chai, lọ, giấy, bìa carton… để bán phế liệu; rác từ thức ăn thừa vỏ rau, củ, quả, cơm thừa… được sử dụng trong chăn nuôi hoặc xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Số lượng rác còn lại được các tổ, đội vệ sinh môi trường thu gom, vận chuyển về các điểm tập kết của các thôn, làng.
Trên địa bàn huyện có 77 tổ, đội vệ sinh môi trường/75 thôn làng, khu phố, với 156 người tham gia; tần suất thu gom, vận chuyển thường xuyên từ 1-2 ngày/lần, cơ bản đi vào nền nếp; khối lượng rác thải sinh hoạt được thu gom đạt khoảng 95% so lượng rác phát sinh.
Rác thải tại khu vực trung tâm huyện, thị trấn Chờ và một số xã bức xúc được vận chuyển về lò đốt rác tại Nghiêm Xá - thị trấn Chờ và lò đốt Cụm xã Long Châu - Trung Nghĩa để xử lý bằng phương pháp đốt, nhưng chưa thực sự hiệu quả.
Các điểm tập kết rác cơ bản tràn đầy, hiện tượng đổ trộm rác thải ra môi trường tại các vị trí kênh mương nội đồng, khu đất trống, ven đường giao thông vẫn xảy ra ở một số địa phương nằm giáp ranh khu, cụm công nghiệp, gây bức xúc dư luận xã hội, ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân.
Trước thực tế đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Yên Phong xây dựng gói thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt tồn đọng tại 6 xã trên địa bàn huyện về Nhà máy đốt rác phát điện Lương Tài để xử lý bắt đầu từ tháng 11-2023, khối lượng xử lý khoảng 100-120 tấn/ngày, đêm.
UBND huyện giao Phòng Tài nguyên và Môi trường khảo sát thực tế khối lượng chất thải rắn tồn đọng; tuyến đường vận chuyển của từng thôn, xã để lập đề cương, dự toán kinh phí gói thu gom, vận chuyển về Nhà máy điện rác Lương Tài xử lý bằng phương pháp đốt, quyết tâm xóa bỏ các điểm tập kết rác thải trên địa bàn huyện.
Theo rà soát, tổng hợp số liệu từ các xã, thị trấn, khối lượng rác thải sinh hoạt tồn đọng tại các điểm tập kết ước tính khoảng 57.000 tấn. Đến thời điểm hiện tại, cơ bản các điểm tập kết rác thải sinh hoạt bức xúc tại các thôn, làng được thu gom, vận chuyển về Nhà máy điện rác Lương Tài xử lý, bao gồm toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt mới phát sinh hàng ngày và một phần lượng rác thải tồn đọng từ trước, góp phần giảm thiểu những bức xúc, những điểm nóng về rác thải cho các địa phương.
Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, ông Phạm Đức Định thông tin, mặc dù tuyến đường vận chuyển rác về Lương Tài xử lý tương đối xa, phát sinh chi phí cao, song đó là phương án tối ưu để giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường nhiều năm tại địa phương. Phòng tham mưu huyện xây dựng lộ trình từ năm 2026 trở đi sẽ xóa bỏ các điểm tập kết rác thải sinh hoạt, xây dựng các điểm trung chuyển; toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt phát sinh và tồn đọng sẽ được thu gom, vận chuyển và xử lý tại Nhà máy điện rác Lương Tài.
UBND huyện Yên Phong tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, ban ngành đoàn thể, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, phát động các phong trào toàn dân phân loại chất thải sinh hoạt tại hộ gia đình; làm sạch ruộng đồng, vớt bèo, khơi thông dòng chảy kênh mương; chống rác thải nhựa, vận động doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng và toàn dân hạn chế tối đa sử dụng túi ni lông, chuyển sang sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường; làm sạch đường làng, ngõ xóm...
Đồng thời, duy trì và phát huy vai trò của các tổ, đội vệ sinh môi trường trong thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; quan tâm, tập trung cao cho công tác vận chuyển rác tại một số điểm tập kết quá tải, hạn chế gây bức xúc trong nhân dân; duy trì, quản lý, vận hành thường xuyên, hiệu quả 2 lò đốt rác đang hoạt động trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đẩy nhanh tiến độ lập dự toán kinh phí, lựa chọn nhà thầu gói thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt tồn đọng tại 6 xã Văn Môn, Long Châu, Trung Nghĩa, Yên Phụ, Hòa Tiến, Tam Giang về Nhà máy điện rác Lương Tài xử lý. Ưu tiên tăng phân bổ ngân sách từ nguồn vốn đầu tư phát triển cho bảo vệ môi trường theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra đối với công tác bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường. Huyện cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh xem xét, hướng dẫn phương pháp xử lý phù hợp, bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững, phục vụ mục tiêu phát triển.