Kết nối chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm cho miền Nam

Hoàng An|26/07/2021 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hiện nay, đã có 388 đầu mối cung ứng nông sản đăng ký qua kênh của Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT nhằm bảo đảm nguồn hàng hóa ổn định cho các tỉnh, TP phía Nam trong bối cảnh dịch Covid-19.

Nông sản, thực phẩm được cung ứng ổn định cho các tỉnh, TP phía Nam. Ảnh: DT

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 3149/QĐ-BNN-VP ngày 18/7/2021 về việc thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam trong điều kiện dịch Covid-19 (gọi tắt là Tổ Công tác 970) do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm Tổ trưởng.

Tổ Công tác đã vào thành phố Hồ Chí Minh, phối hợp với Tổ Công tác của Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, họp trực tuyến thường xuyên với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của 20 tỉnh, thành phía Nam, nắm tình hình sản xuất, tiêu thụ, xử lý các vướng mắc.

Sản xuất lúa và các sản phẩm trồng trọt được mùa trên bình diện cả nước, lúa gạo, rau củ quả, thực phẩm đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản lượng rau màu toàn miền Nam dự kiến từ nay đến cuối năm là 5,7 triệu tấn, đủ nhu cầu tiêu dùng. Riêng 19 tỉnh mỗi tháng cung cấp bình quân cho thị trường 560 – 600 nghìn tấn rau.

Công tác chăn nuôi của các địa phương ổn định, nguồn cung lớn. Vựa heo Đồng Nai mỗi ngày xuất ra thị trường gần 10.000 con trong đó tiêu thụ nội tỉnh chỉ trên 1.300 con (15%), còn lại xuất ra thị trường các tỉnh và thành phố Hồ Chí Minh (85%). Lượng gà thịt của Đồng Nai xuất ra thị trường mỗi ngày khoảng 100.000 con, tiêu thụ nội tỉnh chỉ 5%, 95% cung cấp cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh.

Theo báo cáo từ các doanh nghiệp, đến ngày 25/7, lượng thịt gia súc, gia cầm cung cấp cho thành phố Hồ Chí Minh tương đối ổn định. Tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ có giảm so với trước thời gian thực hiện giãn cách.

Tổng sản lượng thủy sản cả năm của 19 tỉnh thành Nam bộ đạt khoảng 5,09 triệu tấn. Ước sáu tháng cuối năm sản lượng thủy sản của các tỉnh Nam bộ đạt 2,9 triệu tấn, trung bình mỗi tháng toàn vùng sản xuất được khoảng 483 ngàn tấn. Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhu cầu tiêu dùng thủy sản giảm (vì chủ yếu dùng cho nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể…). Sản phẩm thủy sản đáp ứng đủ tiêu dùng và xuất khẩu.

Các hoạt động vận chuyển tôm giống, thức ăn thủy sản tại các tỉnh Nam bộ cơ bản đã thông suốt. Một số chợ truyền thống ở thành phố Hồ Chí Minh đã mở trở lại, việc lưu thông dần ổn định.

Về kết nối cung ứng cung – cầu, đến ngày 25/7/2021, có tổng 388 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với Tổ Công tác Bộ Nông nghiệp và PTNT. Gồm: rau củ 85 đầu mối; trái cây 102 đầu mối; thủy hải sản 157 đầu mối; lương thực 24 đầu mối; các mặt hàng khác 20 đầu mối. Ngoài ra, 12/13 tỉnh ĐBSCL cũng cấp qua tổng cục Thủy sản có 148 đơn vị nuôi trồng thủy sản với nhiều loại khác nhau sẽ thu hoạch trong thời gian tới.

Trong tổng số 388 đầu mối đăng kí qua Tổ Công tác 970 của Bộ NN&PTNT, sản lượng hàng hóa có thể cung cấp dự kiến đến ngày 31/7/2021 được đánh giá là dồi dào. Thậm chí, đang có dấu hiệu thừa nhóm hàng trái cây và một số sản phẩm chăn nuôi, thủy sản.

Nhằm bảo đảm cung ứng nguồn hàng hóa ổn định cho các tỉnh, TP phía Nam trong bối cảnh dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam – Tổ trưởng Tổ Công tác 970 đề nghị chính quyền các địa phương bên cạnh tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cần cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, các loại vật tư nông nghiệp xuất, nhập tỉnh được lưu thông thuận tiện; đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, vật tư do khó khăn trong lưu thông. Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường cập nhật thông tin cung – cầu để điều tiết kịp thời, hạn chế thấp nhất nơi thừa nơi thiếu.

Tổ Công tác 970 cũng đề nghị Sở NN&PTNT 19 tỉnh, TP phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội thành lập Tổ Công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản; phản ánh, giúp tỉnh gỡ khó trong lưu thông hàng hóa, vật tư nông nghiệp, thu mua và thu hoạch nông sản, thủy sản. Đồng thời, thông báo thường xuyên các vấn đề phát sinh đến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương để giải quyết kịp thời, triệt để.

Hoàng An

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Kết nối chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm cho miền Nam
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.