Hiện 260 trên 400 dòng sông ở Bali đã cạn kiệt và mực nước trên hồ Buyan – nguồn dự trữ nước ngọt lớn nhất đảo – giảm 3,5 m.
Mực nước ngầm sụt giảm khiến nước mặn di chuyển vào tầng chứa nước ngọt, gây ra sự ô nhiễm nguồn nước uống ở nhiều khu vực quanh đảo, đặc biệt là phía nam.
Cùng với đó, đợt hạn hán mà tổ chức Chữ Thập đỏ Quốc tế cho rằng đang ảnh hưởng tới 50 triệu người khắp Indonesia, trong đó có hàng trăm nghìn người dân ở Bali, khiến cho hòn đảo nổi tiếng phải đối mặt với một cơn khủng hoảng nước, đe doạ an ninh lương thực, văn hoá truyền thống và chất lượng cuộc sống trên đảo.
65% nguồn nước ở Bali được sử dụng để phục vụ du lịch, đặc biệt là khu vực phía nam hòn đảo nơi tập trung các khu nghỉ dưỡng sang trọng cũng như sân golf. Ảnh: Al Jazeera.
“Vấn đề khan hiếm nước ngọt của Bali sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn trong tương lai trừ khi có sự thay đổi căn bản trong mô hình du lịch đại chúng và chấp nhận cách tiếp cận thông qua du lịch bền vững có chất lượng”, bà Cole nhận định.
Tổ chức phi chính phủ IDEP Foundation cho rằng nguyên nhân đến từ ngành công nghiệp du lịch ở Bali, khi sử dụng 65% lượng nước trên đảo. Mỗi khách du lịch nghỉ dưỡng sử dụng từ 2.000 đến 4.000 lít nước mỗi ngày, theo ước tính của người dân địa phương. Một khối lượng nước khổng lồ cũng được sử dụng để lấp đầy bể bơi của khu nghỉ mát và tưới các khu vườn, sân golf, xây dựng các biệt thự, cơ sở du lịch mới.
Trong khi đó, người dân cho biết họ đang vật lộn với việc thiếu nước ngọt để phục vụ nhu cầu thiết yếu như nấu ăn, dọn dẹp. Một chủ cửa hàng ở Seraya Timur, nằm ở điểm cực đông Bali, cho biết mỗi tuần chỉ được cấp nước 3 ngày. Còn lại, anh phải tự bỏ tiền ra mua nước. “Tôi sinh ra và lớn lên ở ngôi làng này. Nó luôn khô cạn, nhưng chưa bao giờ trong tình trạng như thế này”, anh nói.
Mai Lê (t/h)