Doanh thu từ các hồ nuôi tôm mỗi năm đạt hàng chục tỷ đồng, kể cả trong giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19, tôm thương phẩm của gia đình ông vẫn duy trì đầu ra ổn định, thu nhập của hàng trăm người lao động tại hồ nuôi tôm hộ gia đình ông Toàn không bị ảnh hưởng.
Lớn lên ở Cam Ranh (Khánh Hòa) nhưng vì cuộc sống khó khăn, ông Toàn dắt díu gia đình đến vùng cát Vạn Ninh để sinh sống. Những ngày đầu ở vùng đất mới, vợ chồng ông lặn lội làm đủ nghề nhưng vẫn không khá nổi. Sau nhiều ngày nung nấu, ông quyết định dốc vốn tiết kiệm và vay mượn thêm để đầu tư nuôi tôm sú. Thế nhưng vì liên tục ảnh hưởng thời tiết, giá tôm sú rớt xuống thấp, thường xuyên bị dịch bệnh, năng suất không đạt, nhiều vụ ông trắng tay.
Ông Lê Quang Toàn làm giàu nhờ nuôi tôm theo hình thức trải bạt.
Đến nay, gia đình ông Lê Quang Toàn có 15 hecta đất, trong đó có khoảng 8-9 hecta là hồ nuôi tôm, tương ứng 40 ô nuôi tôm trải bạt; diện tích còn lại là để làm ao lắng, ao chứa chất thải và một số diện tích dành nuôi ốc hương, cá. Do áp dụng công nghệ Biofloc, quá trình nuôi không dùng thuốc kháng sinh mà cấy vi sinh bằng cách dùng hỗn hợp nước, mật rỉ đường, vi sinh… tạo biofloc để đưa xuống ao nuôi thường xuyên nên tôm nuôi phát triển, ăn mạnh và mau lớn dù ông thả với mật độ dày (1 m2 khoảng 400 con). Từ khi áp dụng nuôi tôm thẻ chân trắng trên bạt bằng phương pháp trên, bình quân một vụ ông thu lãi khoảng 8 tỷ, nếu thuận lợi mỗi năm cũng cho lãi trên dưới 20 tỷ đồng.
“Cứ 2,5 tháng thả nuôi tôm đạt kích cỡ khoảng 50-60 con/kg sẽ xuất bán với giá giao động từ 100.000 – 125.000 đồng/1 kg. Trung bình, mỗi hồ nuôi tôm cho sản lượng 8 tấn và mỗi vụ thu hoạch với tổng sản lượng 32 tấn (2,5 tháng/vụ). Như vậy, mỗi năm nuôi 4 vụ, với tổng sản lượng trên 100 tấn. Những năm nuôi thuận lợi, có thể bỏ túi từ 15-16 tỷ đồng”, ông Toàn cho biết.
Tại mô hình nuôi tôm, ông Toàn đã khoan giếng lấy nước, sau đó bơm vào các ao chứa để lọc và xử lý các tạp chất, vi khuẩn. Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, các ao đều đầu tư hệ thống tạo oxy dày, hoạt động liên tục gần như 24 giờ/ ngày, thường xuyên sục và xả nước trong ao ra để bơm nước mới vào giúp tôm mau lớn. Trong quá trình cho tôm ăn, ông xử lý thuốc đều theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Đó là những kinh nghiệm mà ông Toàn đã rút ra được từ chặng đường dài khởi nghiệp khó khăn cho đến thành công như ngày hôm nay. Nhờ vậy gia đình ông có kinh tế vững chắc và có điều kiện giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.
Ngoài làm giàu cho bản thân, ông Toàn còn thường xuyên giúp đỡ các hội viên nông dân khó khăn trong xã về vốn, kỹ thuật phát triển kinh tế, tạo cơ hội cho nhiều hộ thoát nghèo. Với những hộ khó khăn, ông Toàn sẵn sàng hỗ trợ vốn cải tạo ao, tạo điều kiện cung cấp thức ăn, thuốc cho tôm đến cuối vụ mới thanh toán tiền mà không hề lấy đồng lãi nào.
Ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch Hội Nông xã Vạn Thọ huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cho hay, từ mô hình nuôi tôm trên bạt của ông Toàn thành công đã có nhiều hộ nông dân trong xã học tập và áp dụng. Từ năm 2012, ông Toàn nhiều lần được ghi nhận và đánh giá là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương.
Trọng Nhân