Khánh Hòa phê duyệt dự án đập ngăn mặn trên sông Cái

26/02/2018 08:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang. Theo đó, dự án sẽ được xây dựng cách cầu đường sắt 75m về phía hạ lưu với tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng.

Mô hình đập ngăn mặn trên sông Cái

Dự án đa năng

Hàng chục năm nay, việc ngăn mặn trên sông Cái phụ thuộc vào đập ngăn mặn tạm ở xã Vĩnh Phương (TP. Nha Trang). Tuy nhiên, những năm gần đây, khi nắng hạn kéo dài, khi phía dưới đập xảy ra tình trạng triều cường thì nước trên đập bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho toàn TP. Nha Trang và các vùng lân cận. Bên cạnh đó, vấn đề giao thông phục vụ người dân hai bên bờ sông xã Vĩnh Ngọc phụ thuộc vào cây cầu gỗ Phú Kiểng nên mỗi mùa mưa, cầu bị trôi hoặc phải tháo dỡ cầu cất đi thì người dân gặp khó khăn trong đi lại. Chính vì vậy, việc xây dựng một đập ngăn mặn kết hợp cầu phục vụ giao thông là hết sức cần thiết.

Theo Ban quản lý Dự án phát triển tỉnh, dự án đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang là công trình cấp 3, có diện tích sử dụng đất hơn 3ha. Công trình này trùng với tuyến đường vành đai 2 đã được quy hoạch, nằm cách cầu đường sắt 75m về phía hạ lưu. Phương án đã được UBND tỉnh chọn là xây dựng đập ngăn mặn dạng đập trụ đỡ, đóng mở bằng cửa van trục dưới, có âu thuyền, phía trên bố trí cầu giao thông. Cụ thể, đập gồm 5 khoang, mỗi khoang rộng 30m, kết cấu bằng thép không gỉ, đóng mở bằng xilanh thủy lực. Âu thuyền được bố trí phía bờ hữu, hình chữ nhật, có chiều dài 67m. Cầu giao thông trên đập gồm 10 nhịp, mỗi nhịp dài 33m, bề rộng 26m, tổng chiều dài của cầu là 400m, bao gồm phần đường dẫn hai đầu cầu. Bên cạnh đó, dự án còn xây dựng kè gia cố hai bên phía thượng lưu và hạ lưu theo dạng kè đứng; đồng thời xây nhà quản lý với diện tích 150,2m2 để phục vụ công tác quản lý điều hành.

Ông Châu Ngô Anh Nhân – Giám đốc Ban quản lý Dự án phát triển tỉnh cho biết, dự án đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang rất khả thi và phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Dự án được xây dựng theo công nghệ mới, kết hợp giữa cầu và đập, sau khi đi vào hoạt động sẽ phục vụ nhiệm vụ ngăn mặn và giải quyết vấn đề giao thông, đặc biệt là khớp nối với dự án đường vành đai 2 của tỉnh.

Dự kiến cuối năm sẽ triển khai

Theo quyết định phê duyệt dự án đầu tư của UBND tỉnh, dự án đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang có nhiệm vụ ngăn chặn tình trạng nhiễm mặn trên sông Cái Nha Trang vào mùa khô, đảm bảo mặt cắt thoát lũ vào mùa mưa, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 500.000 dân của TP. Nha Trang, một phần huyện Diên Khánh, phục vụ họat động du lịch, đồng thời đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ cho 2.000ha đất nông nghiệp hai bên bờ sông và nước sản xuất cho Nhà máy Sợi Nha Trang. Dự án còn có nhiệm vụ kết hợp giao thông qua sông Cái theo đường vành đai, cải thiện điều kiện giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội cho toàn thành phố. Bên cạnh đó, dự án còn có khả năng điều tiết một phần dòng chảy sang phía sông Tắc, sông Quán Trường để cải tạo môi trường đô thị cho phía tây và nam của Nha Trang.

Ông Nhân cho biết, tổng mức đầu tư của dự án hơn 759,5 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng gần 550 tỷ đồng, chi phí thiết bị hơn 38,5 tỷ đồng, chi phí đền bù hơn 27,7 tỷ đồng. Trước mắt, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ cho tỉnh 208 tỷ đồng thông qua Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cấp vốn cho tỉnh triển khai dự án. Tuy nhiên, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch – Đầu tư đang trong quá trình thẩm định nguồn vốn. Phần vốn còn thiếu, tỉnh sẽ bổ sung trong giai đoạn 2020 – 2025. “Nếu tiến độ giao vốn từ trung ương thuận lợi thì bắt đầu từ quý IV/2018, dự án sẽ được triển khai công tác hội thảo khoa học, thiết kế thi công và đấu thầu. Sau đó, ban sẽ tiến hành thống kê các hộ bị thu hồi đất để đền bù, tái định cư”, ông Nhân cho biết.

Theo báo Khánh Hòa


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khánh Hòa phê duyệt dự án đập ngăn mặn trên sông Cái