Khó khăn trong phân loại rác tại chung cư

Ngọc Ánh|06/06/2024 15:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, đến ngày 1/1/2025 sẽ phải thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Sẽ có chế tài xử phạt nếu người dân không phân loại rác. Thế nhưng việc thay đổi thói quen của người dân là điều không hề đơn giản. Không chỉ nhà mặt đất, mà việc giám sát, kiểm soát thói quen phân loại rác của cư dân tại các chung cư cao tầng cũng là bài toán khó.

XEM VIDEO: Khó khăn trong phân loại rác tại chung cư

Mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng 60.000 tấn chất thải sinh hoạt (thường gọi là rác thải), trong đó chất thải đô thị chiếm khoảng 60%. Theo dự báo, đến năm 2025 tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng thêm 10 - 16%.

Hơn 85% lượng rác thải đang được xử lý bằng cách chôn lấp, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực, chúng tác động đến cả môi trường đất, nước và không khí, cũng là nguyên nhân gây ra nhiều dịch bệnh cho con người.

W_phan-loai-rac-thai-3-(2).jpg
Mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng 60.000 tấn chất thải sinh hoạt
W_phan-loai-rac-thai-2-.jpg
Lượng rác thải sinh hoạt chưa được xử lý khá nhiều

Vì vậy, việc tổ chức phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt tại nguồn rất quan trọng, không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Có rất nhiều các dự án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được các tỉnh, thành phố triển khai nhưng kết quả thu lại không được bao nhiêu vì hàng loạt nguyên nhân, nhất là đối với những khu vực đô thị tập trung nhiều khu chung cư.

W_phan-loai-rac-thai-1-.jpg
Có rất nhiều các dự án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được các tỉnh, thành phố triển khai kết quả thu lại không được bao nhiêu

Nhiều gia đình đã sinh sống tại các tòa chung cư trong nhiều năm và chưa có thói quen phân loại rác thải sinh hoạt. Hơn nữa, với thiết kế của các tòa chung cư chỉ có duy nhất một ống xả rác thẳng từ trên xuống dưới thì việc người dân có phân loại rác hay không cũng không có ý nghĩa.

W_phan-loai-rac-thai-9-.jpg
Nhiều gia đình đã sinh sống tại các tòa chung cư trong nhiều năm và chưa có thói quen phân loại rác thải sinh hoạt
W_phan-loai-rac-thai-8-.jpg
Thiết kế của các tòa chung cư chỉ có duy nhất một ống xả rác thẳng từ trên xuống dưới

Là người dân sinh sống lâu năm tại chung cư, ông Lưu Mạnh Hùng - KĐT Nam Trung Yên, Quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Ba tòa nhà chung cư ở đây thì cửa xả rác thẳng đứng, rất tiện cho người dân nhưng để phân loại rác thì tôi nghĩ là rất khó - Tất cả rác thải bỏ chung vào 1 túi - người dân thả xuống.”

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống - Moitruong.net.vn, Đại biểu Quốc hội khóa XV Nguyễn Quang Huân – Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết: “Chung cư đã ở cách đây cả chục năm ngươi ta chỉ có 1 lồng rác và tất cả các tầng đổ xuống thì người dân phân loại rác ra sao? Chung cư chịu trách nhiệm phân loại hay từng hộ gia đình (căn hộ) phân loại ra sao?"

Tại một số các tòa chung cư mới, phòng đổ rác đã được thiết kế hiện đại hơn. Tại từng tầng, mỗi phòng đổ rác đều được bố trí 2 thùng rác để cư dân phân loại. Vấn đề đặt ra ở đây lại nằm ở ý thức – nhận thức của các cư dân.

W_phan-loai-rac-thai-7-.jpg
Tại một số các tòa chung cư mới, phòng đổ rác đã được thiết kế hiện đại hơn

Theo bà Nguyễn Thanh Tuyết - Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: “Đầu tiên thì cũng có phân ra hai thùng là thùng chứa rác thải vô cơ và thùng rác hữu cơ nhưng sau một thời gian thì người ta lại vứt lẫn các loại rác, các biển phân loại cũng không còn.”

“Thời gian đầu mọi người chấp hành tốt sau đó lại quên, lại cũng có người ý thức tốt thì làm, có người ý thức chưa ổn thì lại bỏ chung các loại rác vào 1 thùng, rồi thành thói quen. Vậy là 2 thùng như như một” - Bà Hoàng Thị Thanh Thủy - Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ.

Hơn nữa, với đặc thù riêng của các tòa chung cư có lượng cư dân đông đúc, việc đổ rác không theo giờ, không ai giám sát thì kiểm soát cư dân đã phân loại rác hay chưa, là một thách thức.

W_phan-loai-rac-thai-6-.jpg
Với đặc thù riêng của các tòa chung cư có lượng cư dân đông đúc, việc đổ rác không theo giờ, không ai giám sát thì kiểm soát cư dân đã phân loại rác hay chưa, là điều thách thức

Theo ông Nguyễn Văn Tâm - Tổ trưởng tổ dân phố Hoàng 21, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Vấn đề kiểm soát với cư dân phân loại rác thì rất là khó, khi mà cho rác vào trong túi rồi thì không biết là trong đó có cái gì, ai kiểm soát, kiểm soát như thế nào thì đấy là bài toán cần nghiên cứu".

Hà Nội và TP HCM là những đô thị lớn có tới hàng nghìn tòa chung cư với số lượng cư dân cũng như khối lượng rác sinh hoạt phát sinh mỗi ngày vô cùng lớn. Nhưng các tòa chung cư hay nhà mặt đất thì mấu chốt cơ bản nhất trong phân loại rác vẫn xuất phát từ nhận thức và ý thức của người dân.

W_phan-loai-rac-thai-5-.jpg
Hà Nội và TP HCM là những đô thị lớn có tới hàng nghìn tòa chung cư với số lượng cư dân cũng như khối lượng rác sinh hoạt phát sinh mỗi ngày vô cùng lớn
W_phan-loai-rac-thai-4-.jpg
Mấu chốt cơ bản nhất trong phân loại rác vẫn xuất phát từ nhận thức và ý thức của người dân

Theo GS. TS Đặng Thị Kim Chi – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Kỹ thuật, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: “Nên lúc này là Ban quản lý chung cư và cộng đồng dân cư sống tại đó phải động viên nhau cùng thực thi mới hiệu quả. Cũng như 1 dạng hương ước, quy định của chung cư - nơi bà con kiểm soát lẫn nhau, động viên nhau xử lý.”

W_phan-loai-rac-thai(1).png
Bài toán phân loại rác vẫn còn nhiều ẩn số cần tìm ra lời giải để việc triển khai thực chất và có hiệu quả

Thời gian thực hiện quy định bắt buộc phân loại rác chỉ còn hơn nửa năm. Đến nay việc tuyên truyền về quy định này ở nhiều địa phương vẫn còn mờ nhạt thậm chí chưa khởi động. Rõ ràng bài toán phân loại rác vẫn còn nhiều ẩn số cần tìm ra lời giải để việc triển khai thực chất và có hiệu quả.

Bài liên quan
  • Phân loại rác tại nguồn - Bài 5: Cần có lộ trình phù hợp
    Việc Luật Bảo vệ môi trường 2020 bắt buộc phân loại rác tại nguồn thực hiện đồng bộ trên cả nước từ ngày 1/1/2025 sẽ là bước ngoặt quan trọng làm thay đổi cả mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt cũng như vận hành triển khai trên thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó khăn trong phân loại rác tại chung cư