Theo quy định, việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được thực hiện muộn nhất tới ngày 31/12/2024. Điều kiện cần là một quy chuẩn vận hành, còn điều kiện đủ là quy trình phân loại – thu gom - xử lý rác thải cũng phải được thực hiện đồng bộ. Có như vậy rác thải mới đi đúng vòng tuần hoàn mang lại lợi ích.
Từ nhiều năm trước, một số địa phương đã triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn (PLRTN), tuy nhiên, việc phân loại còn bỏ ngỏ. Một phần bởi, các mô hình chưa thiết lập thành chuỗi quy trình phân loại trong thu gom, chưa triển khai đồng bộ theo bộ công cụ chung mà mới thực hiện thí điểm tại một số khu vực thuộc một vài đô thị lớn.
Đơn cử như TP. Hồ Chí Minh, từ những năm 2017, thành phố đã triển khai phân loại rác với lộ trình từng bước rõ ràng. Thế nhưng, kết quả thu về không được bao nhiêu bởi công tác tuyên truyền và triển khai chưa đồng bộ; thành phố mới dừng ở tuyên truyền, vận động mà chưa theo sát hướng dẫn, kiểm tra; các hộ gia đình/chủ nguồn thải chưa hoàn toàn chủ động phân loại.
Tại Hà Nội, cách đây 15 năm cũng đã từng rầm rộ ra quân dự án 3R bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản. Tuy nhiên, dự án cũng chỉ duy trì được một thời gian. Nguyên nhân do chưa có sự chuẩn bị đầu tư trang thiết bị đáp ứng sau phân loại; quy trình, công nghệ xử lý rác chưa phù hợp, thiếu đồng bộ. Rác thải được phân loại thành rác tái chế, vô cơ và rác hữu cơ, trong đó, một phần rác hữu cơ được xử lý, sản xuất thành phân bón vi sinh nhưng đầu ra cho loại phân bón này thiếu ổn định, khó tiêu thụ trên thị trường và không có đơn vị bao tiêu sản phẩm...
Ở một số xã nông thôn mới, mô hình PLRTN dù được ưu tiên nhưng không phải địa phương nào cũng thực hiện hiệu quả. Có địa phương thời gian đầu người dân hưởng ứng khá tốt, nhưng sau đó, nhiều hộ bỏ ngang vì lý do chậm thu gom. Nhiều hộ gia đình không hợp tác hoặc chỉ thực hiện khi có hỗ trợ kinh phí. Một số địa phương ban đầu còn đồng hành, phát túi phân loại, nhưng sau do thiếu nguồn kinh phí nên dừng lại…
Hiện, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn chủ yếu được tiến hành tại hộ gia đình đối với một số loại chất thải như giấy, bìa các-tông, kim loại được thu gom để bán; chất thải thực phẩm cho chăn nuôi được thực hiện để đáp ứng chỉ tiêu môi trường trong xây dựng nông thôn mới, còn các thành phần khác hầu hết không được phân loại mà để lẫn. Việc phân loại mang tính riêng lẻ, không đồng bộ, hiệu quả chưa cao... Ngoài ra, ở các địa phương chưa có nhiều chiến dịch phát động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Đặc biệt, khu vực miền núi thiếu quy hoạch các bãi tập kết chất thải tập trung, không quy định chỗ tập trung chất thải rắn, thiếu người và phương tiện chuyên chở đã hình thành bãi rác tự phát, làm cho tình trạng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn trở thành vấn đề nan giải khó quản lý.
Đánh giá của Bộ Xây dựng, năm 2017, tại các địa phương như Hà Tĩnh, Đồng Nai đã thí điểm thực hiện 11/11 huyện, tỷ lệ hộ gia đình thực hiện là 20.132 hộ, số hộ thực hiện đúng quy trình chiếm 58,8%, tiến tới nhân rộng đối tượng thực hiện từ trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung, khu công nghiệp, cơ quan hành chính… nhưng hầu hết các địa phương đều chưa thực hiện do thiếu nguồn lực đồng bộ từ thu gom, vận chuyển và xử lý từng loại chất thải đã phân loại.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, người dân chưa nhận thức được lợi ích kinh tế của việc phân loại, thu gom và tái chế chất thải rắn nên tỷ lệ thu gom so với lượng phát sinh còn thấp. Công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải.
Theo TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, việc thiếu đồng bộ là nguyên nhân khiến các mô hình thử nghiệm phân loại rác tại nguồn đều không mang lại kết quả khả quan.
"Chúng ta phải nghiêm túc nhìn lại chuyện thất bại đó vì rõ ràng phân loại rác tại nguồn là biện pháp căn cơ. Qua một số đợt thử nghiệm có thể thấy chính sách của ta không đồng bộ. Chúng ta phải giảm sự bao cấp của nhà nước thì sẽ tổ chức được đồng bộ từ phân loại, thu gom, xử lý có trách nhiệm rõ ràng của người dân, đơn vị thu gom, xử lý có vậy mới tiến tới phân loại rác tại nguồn hiệu quả", TS Hoàng Dương Tùng cho hay.
Thực tế hiện nay, nhiều địa bàn tại các thành phố lớn, người dân đã có ý thức phân loại rác thải. Rác được phân loại ngay từ nguồn nhưng lại không có phương tiện chuyên dụng để thu gom, hoặc người dân để rác trong các túi cùng màu sắc khiến việc phân loại trở nên khó khăn.
Do vậy, đầu tư vào hạ tầng là rất quan trọng. Trong đó cần phải có phương tiện thu gom, lên lịch cụ thể từng thời gian, địa điểm sẽ tiến hành thu gom đối với từng loại rác thải. Kết hợp cùng các hình thức răn đe, xử phạt đối với hành vi không phân loại rác thải và tuyên truyền trực tiếp bằng các công cụ truyền thông từ ngõ xóm đến các cụm dân cư.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, cần phải chuẩn hóa lực lượng và phương tiện thu gom rác. Đơn vị thu gom rác phải đáp ứng các điều kiện kỹ thuật, đồng bộ về con người, năng lực quản lý, xử lý. Đồng thời, phải tổ chức tuyên truyền cho tất cả người dân hưởng ứng phong trào phân loại rác theo quy định. Chính phường, xã phải giám sát tốt việc phân loại rác từ người dân tới lực lượng thu gom, có chế tài nếu còn hiện tượng trộn lẫn rác thải trong quá trình thu gom dù người dân đã phân loại.
Theo các chuyên gia, việc tổ chức phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt tại nguồn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Thế nhưng, có rất nhiều các dự án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được các tỉnh, thành phố triển khai kết quả thu lại không được như mong muốn.
Đơn cử như việc chưa có quy hoạch hạ tầng, bố trí quỹ đất, chưa đồng bộ được hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác thu gom vận chuyển rác nên tại nhiều địa phương, công tác thu gom, phân loại rác thải tại nguồn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Có những địa phương đã thực hiện phân loại rồi nhưng quá trình thu gom lại không đồng bộ, dẫn đến việc rác thải để cho các nhà máy xử lý không đủ dẫn đến hoạt động của một số nhà máy cũng đang cầm chừng.
Theo PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, sự thiếu đồng bộ là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phân loại rác thải tại nguồn không mang lại kết quả khả quan. Việc cần phải làm là tạo ra sự đồng bộ về hệ thống hạ tầng thu gom, xử lý rác thải. Ngoài ra, còn cần chuẩn bị những hoạt động về đào tạo, tập huấn, phổ biến. Thậm chí, phải đưa ra những hướng dẫn kỹ thuật chi tiết để hướng dẫn cho các hộ gia đình, cá nhân và các doanh nghiệp có thể tổ chức triển khai thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn này.
Cùng với những khó khăn về thu hút các nguồn lực đầu tư hạ tầng xử lý, tái chế rác thải, một trong những khó khăn nữa đối với tất cả các địa phương hiện nay đó là phí dịch vụ môi trường rất thấp. Tại nhiều địa phương mức phí do Hội đồng Nhân dân các tỉnh phê duyệt, nhiều năm qua không được thay đổi.
Hiện nay, ở giai đoạn phân loại, Nhà nước không còn bao cấp mà người dân phải tự chi trả tiền xử lý rác thải. Kinh nghiệm có thể học tập từ mô hình thành công của thành phố Hino thuộc Tokyo, Nhật Bản. Nơi này đã chuyển đổi từ hệ thống thu gom bằng thùng cố định sang thu gom bằng túi trong giờ quy định, kết hợp thu phí vệ sinh trong giá bán túi đựng rác.
Các loại túi có kích cỡ và dành cho từng loại rác có giá tiền khác nhau. Đó là cơ chế khuyến khích người dân thực hiện giảm thiểu lượng rác phát sinh và phân loại rác tại nguồn để tiết kiệm tiền cho chính mình. Lợi ích trực tiếp sẽ khiến thay đổi hành vi.
Khi rác đã được phân loại, đơn vị thu gom cũng phải đồng bộ về con người, kỹ thuật, năng lực quản lý, xử lý; vừa phải cân đối chi phí lãi lỗ, vừa phải thực hiện theo đúng quy định. Muốn như vậy, cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư các dự án liên quan chất thải rắn sinh hoạt cần cụ thể và kịp thời trong bối cảnh việc thu gom và xử lý rác như nguồn tài nguyên đặc biệt khó chưa thu hút được các nhà đầu tư tư nhân.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Thị Hà, Giảng viên Bộ môn Công nghệ Môi trường (Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Để triển khai hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn trong thực tế cũng không phải là việc dễ dàng".
Theo nhận định của bà Hà, rào cản lớn nhất là do thói quen, ý thức của nhiều người dân, hộ dân vẫn chưa hiểu hết được giá trị môi trường. Tức là nhiều người đang ứng xử theo kiểu làm sao cho nhà mình sạch đẹp mà không quan tâm tới việc rác vứt ra ngõ, ngoài đường.
“Tôi cho rằng đó là suy nghĩ sai lầm, bởi rác thải không chỉ đơn thuần là chất thải rắn, mà còn liên quan tới nước thải, khí thải trong quá trình rác phân hủy. Vì thế, ô nhiễm do rác thải gây ra vẫn sẽ đeo bám người dân ở trong khu vực đó,” bà Hà chia sẻ lo ngại.
Cũng theo bà Hà, rào cản thứ hai là tính đồng bộ giữa cả một hệ thống. Đơn cử như việc nhiều hộ gia đình đã triển khai phân loại, chia tách rác thải sinh hoạt ngay tại nhà theo từng loại (rác thải hữu cơ, rác thải tái chế và các chất thải khác), nhưng khi đem ra điểm tập kết thì tất cả các loại rác lại để chung vào một thùng, môt xe vận chuyển.
Điều này cho thấy các khâu từ phân loại rác tới đơn vị chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển, đưa đi xử lý rác còn chưa được đồng bộ. Đây cũng là trở ngại mà hầu hết các địa phương đang gặp phải.
Thực tế trong việc xử lý rác thải sinh hoạt ở nước ta trong thời gian qua đã cho thấy, để xử lý, tái chế một cách hiệu quả rác thải sinh hoạt, việc triển khai các giải pháp đồng bộ trong việc phân loại rác thải tại nguồn, cũng như các cơ chế tài chính và kỹ thuật cho xử lý, tái chế rác thải có ý nghĩa quan trọng.
THỰC HIỆN: HÀ ANH