Khôi phục tầng ozone và giảm thiểu biến đổi khí hậu

Minh Lâm|16/09/2023 11:39
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tầng ozone giúp che chắn Trái Đất khỏi các bức xạ cực tím có hại từ Mặt trời, nếu không có lớp chắn này, ánh nắng Mặt trời sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm với con người và hầu hết các loài động thực vật.

tang-ozone.jpg
Việt Nam đã nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm bảo vệ tầng ozone.

Ngày 16/9 hằng năm được Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn là Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone để các quốc gia thành viên tham gia Nghị định thư Montreal tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức và truyền tải thông điệp về bảo vệ tầng ozone tới các cấp, các ngành, cộng đồng và toàn xã hội.

Thông điệp năm nay là “Nghị định thư Montreal: Khôi phục tầng ozone và giảm thiểu biến đổi khí hậu”. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau hành trình 36 năm thực hiện, Nghị định thư Montreal đã đóng góp lớn trong việc hàn gắn lỗ thủng tầng ozone, ngăn ngừa những hệ lụy tác động đến sức khỏe con người và các hệ sinh thái trên hành tinh.

Theo Bộ TN&MT, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã chung tay với cộng đồng quốc tế nỗ lực triển khai các hoạt động bảo vệ tầng ozone, kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính. Trong giai đoạn 2020-2025, Việt Nam thực hiện loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất làm suy giảm tầng ozone, lượng hạn ngạch nhập khẩu các chất này áp dụng cho Việt Nam chỉ còn 2.600 tấn, sẽ giảm dần trong giai đoạn sau đó để dừng nhập khẩu vào năm 2040.

Việt Nam cũng triển khai lộ trình loại trừ các chất gây hiệu ứng nhà kính nhằm mục tiêu không gia tăng lượng tiêu thụ các chất này trong giai đoạn 2024-2028, loại trừ 10% lượng tiêu thụ các gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2029 cho đến năm 2035 và giảm dần, tiến tới loại trừ 80% lượng tiêu thụ vào năm 2045.

Để thực hiện mục tiêu chung theo Nghị định thư Montreal, cần có sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, hợp tác chặt chẽ giữa các chính phủ, giữa các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là sự tham gia thực hiện của doanh nghiệp. Việt Nam đã chủ động và tích cực thực hiện các điều ước, thỏa thuận đã tham gia, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết và nội luật hóa các cam kết quốc tế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ozone.

Tháng 12/1994, Đại hội đồng LHQ đã quyết định lấy ngày 16/9 hằng năm là Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone để các quốc gia thành viên tham gia Nghị định thư Montreal tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng kỷ niệm ngày này, nhằm tăng cường sự hiểu biết về Nghị định thư Montreal, nâng cao nhận thức và truyền tải các thông điệp về bảo vệ tầng ozone tới các cấp, các ngành, cộng đồng và toàn xã hội.

Sau gần 40 năm triển khai, Nghị định thư Montreal đã đóng góp lớn trong việc hàn gắn lỗ thủng tầng ozone, ngăn ngừa những hệ lụy tác động đến sức khỏe con người và các hệ sinh thái trên hành tinh. Đến nay, tầng ozone đang được khôi phục theo đúng lộ trình và dự báo đến năm 2066, Nam Cực sẽ được phục hồi trở lại như năm 1980. Hiện đã có 99% các chất làm suy giảm tầng ozone đã được loại trừ hoàn toàn. Nghị định thư Montreal đã bảo vệ hàng triệu người khỏi bệnh ung thư da, đục thủy tinh thể, bảo vệ hệ sinh thái và làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.

Tầng ozone nằm ở độ cao khoảng 11-40 km so với bề mặt Trái đất, thuộc tầng bình lưu và có vai trò như một lớp 'kem chống nắng' che chắn cho hành tinh khỏi tia cực tím (UV). Nếu không có lớp chắn này, ánh nắng Mặt trời sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm với con người và hầu hết các loài động thực vật. Đặc biệt, tia UV-B (làm cho da bị cháy nắng) ở cường độ cao có thể dẫn đến nhiều loại ung thư. Những nỗ lực bảo vệ tầng ozone cũng song hành với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khôi phục tầng ozone và giảm thiểu biến đổi khí hậu