Ảnh minh họa
Bệnh hô hấp và tiêu hóa
Do trẻ có cơ thể yếu nên rất dễ bị ảnh hưởng vì nắng nóng, trong đó rối loạn nước và điện giải khi bài tiết mồ hôi rất nhiều; tim phổi sẽ hoạt động nhiều hơn cho nên trẻ dễ mệt và kiệt sức; ngoài ra hệ miễn dịch giảm dưới tác động của nắng nóng, tia UV, hoạt động của tế bào bạch cầu lympho cũng giảm đi do đó khả năng chống chọi với vi khuẩn giảm. Trẻ dễ bị mắc một số bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt các bệnh hô hấp, tiêu hóa do các hệ thống hô hấp và tiêu hóa tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn rất nhiều.
Với hô hấp, trẻ thường sốt ho thông thường dần diễn tiến sang mắc bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, nhập viện trong tình trạng nặng nếu không đi khám sớm. Về bệnh tiêu hóa, trong môi trường nắng nóng, vi khuẩn trong thức ăn có thể tăng lên từ 4 đến 8 lần khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, trẻ khi ăn uống thức ăn này có thể bị tiêu chảy nhiễm khuẩn, biểu hiện bằng tiêu chảy cấp, tiêu chảy nhiễm trùng, tiêu đàm máu.
Ngộ độc thức ăn
Thời tiết nắng nóng nếu thức ăn không được bảo quản kỹ và việc chế biến không đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ là nguyên nhân gây ra ngộ độc thức ăn ở trẻ em, nhất là môi trường học đường.
Nhiễm siêu vi
Mùa nắng nóng cũng là thời điểm làm cho trẻ dễ bị nhiễm siêu vi khiến trẻ bị sốt, phát ban, quấy khóc, nôn ói, ăn uống khó khăn… Hiện có hơn 200 chủng siêu vi được phân lập, tuy nhiên hầu hết đều là siêu vi thông thường ít có hại cho trẻ, bệnh có thể tự khỏi trong 5 – 7 ngày nếu được theo dõi và chăm sóc tốt. Một số siêu vi nguy hiểm có thể gây hại cho trẻ, chúng ta cần phải chú ý để có cách phòng ngừa chủ động bằng các loại vắc-xin sẵn có như siêu vi cúm, siêu vi sởi, siêu vi gây bệnh thủy đậu, bệnh quai bị, bệnh sốt phát ban rubella…
Viêm não Nhật Bản B
Trong mùa nắng nóng, theo ghi nhận của các chuyên gia y tế về bệnh truyền nhiễm thì tỷ lệ mắc bệnh viêm não Nhật Bản B ở trẻ em thường cao hơn mùa mưa. Đây là bệnh lý khá nguy hiểm nếu bệnh diễn tiến nặng mà không được phát hiện kịp thời. Tuy nhiên, bệnh lý này hiện nay đã có thuốc phòng ngừa hiệu quả, phần nào làm giảm bớt gánh nặng bệnh tật cho trẻ em.
Bệnh tay chân miệng
Đây là bệnh lý đang gây hoang mang cho rất nhiều phụ huynh vì sự gia tăng đáng kể số lượng trẻ em mắc bệnh trong 2 tháng vừa qua. Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi, khả năng lây lan rất cao, bệnh liên quan đặc biệt đến vấn đề vệ sinh cá nhân và môi trường. Bệnh thật sự nguy hiểm nếu xuất hiện các biến chứng về thần kinh như run chi, co giật, gồng người, hốt hoảng, lơ mơ… nếu gặp những biểu hiện này phụ huynh nên khẩn trương đưa trẻ đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời.
Sốc nhiệt và bỏng da
Bệnh lý về da như bỏng da do nắng do nhiệt, để lâu dài có thể ung thư da; hoặc các tổn thương về mắt gây giảm thị lực, lâu dài tổn thương võng mạc, đục thủy tinh thể.
Tia cực tím cao nhất từ 10g sáng đến 14g, chính vì thế phụ huynh cần tránh cho trẻ nhỏ ra đường thời điểm này. Với tia UV như thời điểm hiện nay, nếu trực tiếp đi ngoài nắng khoảng 10 – 15 phút, trẻ đã có thể bị bỏng da và nếu UV nhẹ hơn phơi da trần ngoài nắng khoảng 25 phút cũng gây bỏng da.
Khi ra nắng nên đội mũ rộng vành, mặc áo khoác che kín mặt và tay, mang kính mát, các biện pháp bảo vệ có thể làm giảm từ 60 – 70% tác hại của tia cực tím. Tia UV có thể xuyên qua kính xe ôtô (nếu kính không chống tia UV) nên người ngồi ô tô vẫn phải lưu ý che chắn cơ thể.
Ngoài gây bỏng da và giảm hệ miễn dịch, nắng nóng còn gây sốc nhiệt, nhất là với hai đối tượng trẻ em và người lớn, cho nên người lớn tuổi và trẻ em phải hết sức quan tâm. Đi ngoài nắng nóng như hiện tại khoảng 20 phút, cơ thể có thể gây nên các xáo trộn như mất nước, rối loạn điện giải, rối loạn hệ tuần hoàn và hô hấp.
Cơ thể bị sốc nhiệt có thể biểu hiện qua các triệu chứng như mệt mỏi, hoa mắt, khó thở, ngất xỉu. Nặng hơn nữa, bệnh nhân có thể bị co giật do tổn thương não. Nếu xảy ra các triệu chứng sốc nhiệt nạn nhân cần được sơ cứu ngay bằng cách đưa vào chỗ mát, cho uống nước, dùng khăn mát để lau. Tránh chườm đá, tránh dùng nước lạnh dội vào người bởi sự thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ khiến cơ thể bị loạn nhịp tim có thể gây đột quỵ. Trong trường hợp bệnh nhân quá nặng, sau khi đưa vào nơi có bóng mát cần gọi cấp cứu ngay để kịp được sơ cứu và điều trị đúng cách để tránh tổn thương não.
Minh Hoa (t/h)