Đi tìm nguyên nhân
Theo WHO, 6 chất chính gây ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người bao gồm: Oxit nitơ (NOx), Oxit lưu huỳnh (SOx), Carbon monoxit (CO), Chì, Ozon tầng mặt đất, Các hạt vật chất khí quyển lơ lửng.
Chất gây ô nhiễm có thể có nguồn gốc tự nhiên hoặc do con người tạo ra. Chất gây ô nhiễm được phân loại sơ cấp và thứ cấp. Các chất gây ô nhiễm sơ cấp thường được phát thải từ các quá trình như tro từ phun trào núi lửa, hay hoạt động sản xuất.
Trong số đó, các hạt bụi mịn với kích thước nhỏ hơn 2,5 micron (PM 2.5) đáng được bận tâm nhất, vì chúng có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, làm gia tăng nguy cơ nhiễm các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, gồm nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính, đột quỵ, đau tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư phổi.
Tác động của ô nhiễm không khí
Một thống kê đầu năm nay của LHQ đã chỉ ra rằng, bảy trong số 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới nằm ở Ấn Độ. Theo Tổ chức Giám sát chất lượng không khí AirVisual và Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace), thì vào năm 2018, Gurugram – thành phố cách Thủ đô New Delhi khoảng 30 km về phía tây nam, là nơi có mức độ ô nhiễm nặng nhất thế giới.
Ngoài ra, còn có ba thành phố khác của Ấn Độ và TP Faisalabad của Pakistan nằm trong nhóm năm thành phố ô nhiễm hàng đầu. Tổng cộng 18 trong số 20 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới thuộc về các nước Nam Á, gồm Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh. New Delhi, nơi sinh sống của hơn 20 triệu người được xếp hạng 11 và trở thành thủ đô ô nhiễm nhất thế giới, xếp trên thủ đô Dhaka của Bangladesh và Kabul của Afghanistan.
Còn tại châu Âu, theo báo cáo mới đây của Ủy ban Môi trường châu Âu (EEA), ô nhiễm cũng là một tác nhân gây nên tình trạng khẩn cấp trong ngành y tế công ở châu lục này. Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng làm giảm tuổi thọ con người và góp phần gây nên nhiều loại bệnh như tim mạch, các bệnh liên quan hệ hô hấp, thậm chí là ung thư. Ô nhiễm môi trường cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của mỗi quốc gia, khi khiến chi phí thuốc men tăng cao và giảm năng suất lao động.
Ô nhiễm không khí đã trở thành nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới
Ô nhiễm không khí làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, kéo theo đó là gánh nặng chi phí y tế và thiếu hụt lao động. Giám đốc điều hành của Greenpeace khu vực Đông – Nam Á, ông Yeb Sano cho biết, ngoài ảnh hưởng cuộc sống của người dân, ước tính toàn thế giới thiệt hại 225 tỷ USD do giảm năng suất lao động và hàng nghìn tỷ USD chi phí y tế để giải quyết các vấn đề sức khỏe do ô nhiễm không khí. “Ô nhiễm không khí đang đánh cắp sinh kế và tương lai của chúng ta”, ông nói.
Trong hai năm qua, cơ sở dữ liệu của WHO thu thập từ hơn 4.300 thành phố và khu định cư ở 108 quốc gia đã cho thấy, ngày càng nhiều địa điểm tham gia hệ thống đo mức độ ô nhiễm không khí nhận thấy các tác động về sức khỏe. Khi chất lượng không khí suy giảm, những người sống trong khu vực ô nhiễm có nguy cơ đột quỵ, mắc bệnh tim, ung thư phổi, các bệnh hô hấp mạn tính và cấp tính, bao gồm cả hen suyễn. Theo đó, chỉ riêng ô nhiễm không khí ngoài trời đã được coi là nguyên nhân đứng thứ tư gây ra những ca chết yểu trên toàn thế giới.
“Tuyên chiến” với ô nhiễm
Trước những con số đáng báo động trên, WHO cho rằng, các quốc gia cần phải có cam kết mạnh mẽ hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí, cần tăng cường năng lực hệ thống theo dõi, giám sát chất lượng không khí và chia sẻ thông tin, số liệu với công chúng; tăng cường các biện pháp khẩn cấp để giảm thiểu phát thải khí trong giai đoạn ô nhiễm không khí vượt quá mức khuyến cáo của WHO; các nguồn ô nhiễm không khí cần được xác định thấu đáo và cần xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch dài hạn nhằm đảm bảo không khí sạch.
Các chuyên gia của hai tổ chức AirVisual và Greenpeace đã thu thập dữ liệu từ hàng chục nghìn trạm quan trắc chất lượng không khí trên thế giới. Theo đó, 92 thành phố ô nhiễm nhất đều có sự xuất hiện của các hạt bụi mịn PM2.5. Đây là hạt bụi có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet, tương đương khoảng 3% đường kính của một sợi tóc người và có thể gây ra nhiều tác động xấu cho sức khỏe. Các hạt này có thể thâm nhập sâu vào phổi và máu, gây ra một loạt các bất lợi cho người hít phải, thậm chí gây tử vong trong những trường hợp xấu nhất.
WHO cũng ước tính, khoảng bảy triệu người thiệt mạng mỗi năm do ô nhiễm không khí. Ngoài ra, việc tiếp xúc quá nhiều với hạt bụi mịn cũng gây các tác động như nhịp tim không đều, hen suyễn nặng và suy giảm chức năng phổi…
Theo Al Jazeera, ông Lauri Myllyvirta – chuyên gia phân tích thuộc đơn vị theo dõi ô nhiễm không khí toàn cầu của Greenpeace cho rằng, có một số lý do giải thích cho số lượng các hạt bụi mịn tăng cao ở các nước Nam Á kể trên. Nguồn gốc chính phát sinh các hạt đó là từ khí thải của hoạt động công nghiệp, giao thông vận tải, khói bụi do xây dựng ồ ạt nhiều công trình. Khí thải từ hoạt động sinh hoạt của các hộ gia đình cũng là một trong số những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Thủ đô New Delhi của Ấn Độ
Ấn Độ là quốc gia đông dân nhất Nam Á, với khoảng 1,3 tỷ người. Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng mức độ ô nhiễm không khí hiện nay thể hiện “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng” và kêu gọi Ấn Độ cần có phản ứng khẩn cấp để khắc phục tình hình từ cấp độ chính quyền địa phương và toàn quốc.
Tuy nhiên, bà Jyoti Pande Lavakare, nhà sáng lập của tổ chức phi chính phủ Care for Air India có trụ sở tại New Delhi cho rằng, giới chức Ấn Độ mới chỉ quan tâm nguyên nhân chứ chưa có biện pháp hữu hiệu để cải thiện tình hình chất lượng không khí kém như hiện nay.
Có rất nhiều ví dụ về các chính sách thành công giúp giảm ô nhiễm không khí được WHO đưa ra là các công nghệ sạch nhằm giảm phát thải khí công nghiệp; cải thiện quản lý chất thải đô thị và nông nghiệp, bao gồm thu hồi khí mê tan thoát ra từ bãi thải để thay thế phương án đốt rác thải (sử dụng khí sinh học); đảm bảo tiếp cận các giải pháp năng lượng sạch tại hộ gia đình và có thể chi trả được để đun nấu, sưởi ấm và chiếu sáng.
Một giải pháp nữa là ưu tiên phương tiện vận chuyển đô thị tốc độ cao, các mạng lưới đi bộ và đi xe đạp trong thành phố, cũng như vận chuyển hàng hóa và hành khách bằng đường sắt giữa các đô thị.
Cùng với đó, chuyển đổi sang các phương tiện chạy dầu diezel sạch hơn và các phương tiện ít phát thải và nhiên liệu sạch hơn, bao gồm nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp; cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của các tòa nhà và làm cho thành phố xanh hơn, kết cấu chặt chẽ hơn, dẫn đến hiệu quả sử dụng năng lượng lớn hơn; tăng việc sử dụng các nhiên liệu ít phát thải và các nguồn năng lượng không đốt, có thể tái tạo được (như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và thủy điện); kết hợp sản xuất nhiệt và điện; và phát điện phân phối (ví dụ, điện lưới nhỏ và phát điện mặt trời trên mái nhà)…
Tại Việt Nam, thời gian qua, người dân Hà Nội và TP.HCM phải đối mặt với ô nhiễm không khí nặng nề. Nồng độ các chất gây ô nhiễm trong không khí thay đổi tùy theo địa điểm, theo giờ, theo ngày và theo mùa vì chịu sự ảnh hưởng của sự chuyển động của các chất gây ô nhiễm, của gió và thời tiết…
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Kế hoạch hành động quản lý chất lượng không khí đến năm 2020 với tầm nhìn tới năm 2025 (Quyết định Số 9851/QD-TTG) năm 2016, trong đó, đề ra các hoạt động bao gồm việc xác định và theo dõi các nguồn ô nhiễm và giám sát chất lượng không khí ở tất cả các cấp – sẽ góp phần phổ biến các hành động hướng đến cải thiện chất lượng không khí.
Trang Thư