(Moitruong.net.vn) – Năm nay, chủ đề Ngày Quốc tế phòng chống và giảm nhẹ thiên tai 13/10 được lựa chọn là “Nhà nhà an toàn – Giảm rủi ro và sơ tán khi có thiên tai”.
Theo Văn phòng Liên Hợp Quốc về Giảm thiên tai (UNISDR), việc phát động chủ đề “Nhà nhà an toàn: Giảm rủi ro và sơ tán khi có thiên tai” (Safe home safe) nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về hành động, chính sách để giảm thiểu rủi ro thiên tai ở cấp cộng đồng, nhất là bảo vệ nhà và sinh kế cho người dân. Mục tiêu này chỉ đạt được thông qua phối hợp, hợp tác và hợp tác giữa nhiều bên liên quan.
Ngày Quốc tế phòng chống và giảm nhẹ thiên tai năm nay nhấn mạnh đến việc thực hiện 7 mục tiêu toàn cầu của Khung hành động Sendai. Đây là một khung hành động nhằm giảm thiểu rủi ro và thiên nhiên mà Việt Nam là một trong số 187 quốc gia trên thế giới đã thông qua vào tháng 3 năm 2015 tại Nhật Bản. Khung hành động Sendai có thời gian thực hiện trong 15 năm (2015 – 2030) với 7 mục tiêu toàn cầu, 13 nguyên tắc chỉ đạo và 4 nhóm hành động ưu tiên. Điểm mới của Khung hành động Sendai đó là tập trung quản lý những rủi ro ngay từ khi chưa xảy ra.
Còn ngày 13/10 được Đại hội đồng Liên Hợp quốc chọn làm Ngày Quốc tế phòng chống và giảm nhẹ thiên tai vào năm 2000. Trước đó, từ năm 1989, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã lấy ngày thứ Tư, tuần thứ hai của tháng Mười làm Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai với tư cách là một phần của tuyên bố về Thập kỷ Quốc tế Giảm nhẹ Thiên tai (theo nghị quyết số 44/236).
Ngày Quốc tế Phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai ra đời nhằm khuyến khích mọi công dân và chính phủ tham gia xây dựng cộng đồng và đất nước có khả năng chống chọi thiên tai tốt hơn, giúp tăng nhận thức về những loại thiên tai có thể xảy ra tại cộng đồng và tìm những cách thức để chuẩn bị tốt hơn trước thiên tai để giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Hàng năm, chủ đề Ngày quốc tế Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai khác nhau và được Liên hợp quốc xác định, tập trung vào một chủ đề thiên tai và điều phối các nỗ lực hành động để thực hiện những sự cải thiện trong khu vực.
Theo Monre