Phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi tăng mạnh
Ở nước ta, chăn nuôi đóng vai trò rất quan trọng. Sản phẩm của ngành này không những đáp ứng nhu cầu thực phẩm của 100 triệu dân mà còn liên quan đến sinh kế của khoảng 6 triệu nông dân
Thế nhưng, với quy mô đàn lợn khoảng 28-29 triệu con, đàn gia cầm khoảng 545 triệu con, đàn trâu 2,3 triệu con, đàn bò (tính cả bò sữa) 6,7 triệu con, đàn dê và cừu 2,9 triệu con,... chăn nuôi là ngành phát thải khí nhà kính ra môi trường lớn thứ hai trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo đó, phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi gồm hai nguồn chính: Khí metan từ dạ cỏ của động vật nhai lại và khí CH4, N2O từ phân động vật.
Thông tin từ Bộ NN-PTNT, tổng lượng chất thải chăn nuôi năm 2022 lên đến 81,8 triệu tấn. Trong đó, chăn nuôi lợn chiếm 44,9%, bò thịt chiếm 26,7%, trâu chiếm 15,3%, gia cầm 8,1%, bò sữa 4,9%; chất thải lỏng phát sinh từ hoạt động chăn nuôi năm 2022 ước khoảng 379 triệu m3. Tuy nhiên, chỉ khoảng 50% chất thải rắn và 20% chất thải lỏng được xử lý trước khi thải ra môi trường.
Theo kết quả điều tra năm 2016, lượng khí nhà kính phát thải từ dạ cỏ của động vật nhai lại chiếm tỷ trọng cao nhất, 444.000 tấn khí CH4 (tương đương 12,42 triệu tấn CO2e), tiếp đến là phát thải từ phân động vật bao gồm 11.000 tấn khí N2O (tương đương 2,97 triệu tấn CO2e) và 112.000 tấn khí CH4 (tương đương 3,13 triệu tấn CO2e).
Theo danh mục hệ số phát thải phục vụ kiểm kê khí nhà kính của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cuối năm 2022, trong số các động vật có phát thải khí metan từ dạ cỏ, bò sữa gây phát thải khoảng 78kg khí CH4/con/năm, trâu khoảng 76kg khí CH4/con/năm, bò thịt 54kg CH4/con/năm, ngựa 18kg CH4/con/năm, dê và cừu 5kg CH4/con/năm, lợn 1kg CH4/con/năm.
Tuy nhiên, do số lượng chăn nuôi bò thịt và trâu ở nước ta khá lớn nên lượng phát thải khí metan hàng năm từ bò thịt lên tới 250.000 tấn/năm, trâu với 138.000 tấn và bò sữa khoảng 20.000 tấn/năm.
Tương tự, nếu tính trung bình khối lượng lợn tiêu chuẩn xuất chuồng là 90kg, một con lợn phát thải khoảng 438kg CO2 tương đương. Thông thường, một hộ gia đình sẽ xuất chuồng ít nhất 2 lứa lợn/năm, nếu quy mô chăn nuôi trung bình từ 3.000 đầu lợn sẽ phát thải xấp xỉ 3.000 tấn CO2 tương đương/năm.
Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi cũng rất lớn, tương đương 11,15 triệu tấn CO2e/năm, chiếm 17,2% tổng lượng phát thải khí nhà kính trong ngành nông nghiệp, chủ yếu là CH4 và NO2 từ quá trình lên men tiêu hóa của động vật nhai lại (7,7 triệu tấn CO2e) và từ quản lý chất thải chăn nuôi (5,45 triệu tấn COze). Trung bình mỗi đầu gia súc nhai lại (bò sữa, bò thịt, trâu, cừu, dê, ngựa) phát thải 0,82 tấn CO2 từ quá trình lên men tiêu hóa và nhất là 0,043 tấn CO2 từ mỗi tấn chất thải chăn nuôi lợn, bò, gia cầm.
PGS. TS. Cao Thế Hà, Trung tâm Green Cycle JC, Trung tâm CETASD, Trường Đại học Việt - Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội dẫn Báo cáo Kiểm kê phát thải KNK BUR3(Biennial Update Report), Bộ TN&MT năm 2020: Năm 2016 phát thải KNK khối Nông-Lâm-Ngư nghiệp chiếm 13,91% cả nước. Riêng ngành chăn nuôi chiếm 42,01% phát thải trong toàn ngành nông nghiệp, trong đó KNK từ phân thải chiếm 1/3.
Báo cáo kiểm kê quốc gia khí nhà kính gần đây cho thấy, phát thải khí nhà kính từ ngành chăn nuôi đang có xu hướng tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2016, phát thải khí nhà kính từ ngành chăn nuôi là 18,5 triệu tấn CO2 tương đương, năm 2018 đã tăng lên mức 22,2 triệu tấn CO2, năm 2020 con số phát thải đã lên tới hơn 30,84 triệu tấn CO2.
Hơn 4.000 trang trại chăn nuôi sẽ phải kiểm kê khí nhà kính
Việc kiểm kê khí nhà kính đối với lĩnh vực chăn nuôi phù hợp với Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 05/08/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030. Tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật) có đề xuất danh mục 467 cơ sở trang trại chăn nuôi quy mô lớn đúng đối tượng có mức phát thải theo quy định Nghị định 06 (chăn nuôi lợn quy mô lớn hơn 1.200 đơn vị vật nuôi tương đương hơn 12.000 con lợn/năm có mức phát thải tương ứng trên 6.000 tấn CO2/năm và cơ sở chăn nuôi bò quy mô lớn hơn 700 đơn vị vật nuôi tương đương hơn 1.000 con bò có mức phát thải tương đương 4.000 tấn CO2/năm).
Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bổ sung ngành chăn nuôi (lợn, bò) vào danh mục cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính.
Theo đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam, tiềm năng của các biện pháp giảm phát thải liên quan đến ngành chăn nuôi trong cả giai đoạn 2021-2030 là 152,53 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm 54% tổng tiềm năng giảm phát thải của lĩnh vực nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, xu hướng sản xuất xanh đang phát triển ở mức độ toàn cầu. Do đó, kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải trong chăn nuôi là việc phải làm.
Trên cơ sở đó, theo đại diện Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Kiểm kê khí nhà kính nhằm xây dựng bộ dữ liệu khí nhà kính cho ngành, làm tiền đề nghiên cứu, phát triển thuận lợi cho các dự án giảm phát thải. Hơn nữa, thị trường các-bon có thể khuyến khích các dự án giảm thiểu, nâng cao năng lực cạnh tranh và kích thích các ngành nghề giảm phát thải liên quan của doanh nghiệp giảm phát thải, thu hút vốn FDI nước ngoài và đầu tư vào dự án BĐKH. Đối với ngành chăn nuôi, nhiệm vụ này đã có lộ trình giảm phát thải từ rất sớm cho quy mô nông hộ, không những giảm phát thải mà còn thu được lợi nhuận từ bán tín chỉ giảm phát thải và đến nay đang bước đầu nghiên cứu cho quy mô trang trại:
Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS. Cao Thế Hà cho biết: Như đã nói ở trên, vấn đề phát thải khí nhà kính chỉ tính riêng lĩnh vực chăn nuôi chiếm 42,01% toàn khối ngành nông nghiệp, chưa tính tới 0,50% do phát thải N2O trong xử lý phân-nước thải. Chính phủ Việt Nam đã có cam kết quốc tế tại COP 26 tới năm 2050 sẽ đưa phát thải KNK về Net Zero.
Một trong những công tác đầu tiên để thực hiện cam kết này là công tác kiểm kê phát thải KNK. Đây là công việc bắt buộc để xác định các nguồn phát thải/tiềm năng giảm phát thải KNK. Việt Nam đã 3 lần nộp báo cáo kiểm kê KNK hai năm một lần cho IPCC, theo đó nguồn phát thải KNK số 1 ở Việt Nam là Khối ngành Năng lượng (đóng góp 65,0%), thứ hai là Khối Công nghiệp và sử dụng sản phẩm (IPPU 14,6%), thứ ba là Nông Lâm nghiệp và Sử dụng đất (AFOLU 13,9% và thứ tư là Chất thải (Waste 6,5%).
GDP đầu người của Việt Nam năm 2023 ở mức 4300 $/đầu người, trung bình của thế giới là 13.125 $/đầu người. Để Việt Nam phát triển và vượt con số GDP/đầu người ở trên, phần đóng góp của khối Năng lượng sẽ phải tăng, khối AFOLU và Chất thải sẽ phải giảm. Hiện phát thải Khối Nông nghiệp của Việt Nam thấp hơn của thế giới, tuy nhiên có tiềm năng giảm. Hiện Bộ NN & PTNT đã có Chương trình giảm phát thải KNK trong ngành lúa gạo. Chăn nuôi đóng góp thứ hai trong Nông nghiệp về phát thải khí nhà kính nhưng cũng có tiềm năng giảm phát thải thông qua việc áp dụng các công nghệ xử lý chất thải theo hướng Kinh tế tuần hoàn - Thu hồi tài nguyên.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam - cũng khẳng định, giảm phát thải nhà kính và bảo vệ tầng ozon là chủ trương đúng của Nhà nước nhằm hiện thực hóa các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Song, nếu áp dụng ngay với các trang trại chăn nuôi lợn và bò ở nước ta thì chưa phù hợp. Ông Dương cho biết, mới đây, hiệp hội này đã kiến nghị Chính phủ chưa đưa lĩnh vực chăn nuôi vào diện phải kiểm kê khí nhà kính; nếu làm thì theo hướng tự nguyện, không bắt buộc.
Theo dự thảo, các trang trại chăn nuôi quy mô 3.000 con lợn thường xuyên, còn với bò là 1.000 con trở lên sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Tức, sẽ có hơn 4.000 trang trại chăn nuôi lợn và bò phải thực hiện công việc này, tốn kém khoản chi phí rất lớn.
Chỉ riêng thực hiện kiểm kê khí nhà kính, mỗi trang trại phải chi từ 100-150 triệu đồng/năm. Đáng chú ý, hầu hết trang trại ở nước ta chưa thể thực hiện tự kiểm kê vì quá phức tạp.
Chưa kể, các doanh nghiệp, trang trại sau khi kiểm kê còn phải thực hiện giảm phát thải theo hạn ngạch được giao. Nếu không đạt sẽ bị xử lý vi phạm hoặc phải mua tín chỉ carbon bù vào. Như vậy sẽ làm tăng giá thành sản phẩm chăn nuôi, giảm sức cạnh tranh trên thị trường.