Kiểm tra đột xuất các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên toàn quốc

Minh Anh (T/h)|05/04/2019 08:37
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thách thức trong quản lý chất thải rắn

– Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), trong thời gian tới, sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở xử lý chất thải rắn (CTR) trên toàn quốc. Nếu đơn vị nào vi phạm thì quyết định thanh tra toàn diện, và nếu sai phạm nặng nề, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ đề nghị đóng cửa.

>>> Tp. Hồ Chí Minh: Người lao động kêu cứu vì nhà máy thép Á Châu gây ô nhiễm

>>> Bắt quả tang Hapaco Đông Bắc xả thải trực tiếp ra môi trường

Việt Nam cũng như các nước đang phát triển phải đối mặt với những thách thức lớn trong vấn đề quản lý CTR. Mỗi năm, tổng lượng CTR sinh hoạt là gần 16 triệu tấn. Tỷ lệ CTR sinh hoạt được thu gom tại các đô thị đạt 85,5%, khu vực nông thôn khoảng 40-50%.

Trong đó, 28,9% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, 71,1% chôn lấp trực tiếp, còn 6% chôn sau khi đốt, tổng lượng chôn lấp 77,5%. Trong tổng số 660 bãi chôn lấp có quy mô lớn hơn 1ha, mới có 120 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Những bãi chôn rác tại các thành phố thường trực nguy cơ gây ô nhiễm nước và không khí. Trong khi đó, năng lực quản lý, kỹ thuật, công nghệ cũng như nguồn lực tài chính cho xử lý CTR còn hạn chế.

Trong khi đó, công tác quản lý CTR tại nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức từ chính quyền, các đoàn thể, tổ chức và người dân.

Đến nay, hầu hết các địa phương, kể cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, vẫn xử lý rác thải sinh hoạt bằng hình thức phổ biến là chôn lấp. Các địa phương và chủ đầu tư chưa lựa chọn được công nghệ nào phù hợp với rác thải sinh hoạt tại Việt Nam, nên không xử lý triệt để và để phát sinh ô nhiễm thứ cấp ra môi trường. Để giải bài toán về rác thải sinh hoạt, Chính phủ cần có chế tài mạnh hơn như đóng cửa các bãi rác gây ô nhiễm, không chỉ định các công ty môi trường xử lý rác, mà cần xã hội hóa công tác xử lý rác, ưu tiên các công nghệ không phát sinh ô nhiễm thứ cấp và giảm khối lượng đến 85 – 90%…

Theo kế hoạch quản lý CTR, Chính phủ đã thống nhất giao Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý Nhà nước về CTR; giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn.

Báo cáo về công tác quản lý chất thải rắn

Nhằm triển khai thực hiện phương án thống nhất quản lý Nhà nước về chất thải rắn theo Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2019 của Chính phủ, đồng thời, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý chất thải rắn, đặc biệt, đối với chất thải rắn sinh hoạt, Tổng cục Môi trường đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá toàn diện công tác quản lý Nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt trên phạm vi toàn quốc (Kế hoạch).

Nội dung kiểm tra tập trung vào việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; các hồ sơ môi trường được cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt như: Báo cáo Đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường…; là sự phù hợp với quy hoạch của địa điểm cơ sở xử lý; công suất thiết kế so với lượng chất thải tiếp nhận thực tế. Bên cạnh đó là phương pháp, công nghệ, công suất xử lý đang áp dụng; xuất xứ của công nghệ; đơn giá đang áp dụng đối với từng phương pháp xử lý; hiệu quả xử lý và bảo vệ môi trường, đặc biệt, đối với các lò đốt chất thải (thông qua việc lấy mẫu, phân tích để đánh giá, dự kiến lấy các mẫu khí thải, nước thải và chất thải rắn); quy trình công nghệ, quy trình vận hành các thiết bị (tự động hay thủ công); vệ sinh công nghiệp liên quan đến công nghệ xử lý; các chính sách, hỗ trợ của địa phương đối với công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Trong quá trình kiểm tra, đánh giá, Đoàn Công tác sẽ lấy mẫu phân tích để đánh giá hiệu quả xử lý và bảo vệ môi trường, đặc biệt, đối với các lò đốt chất thải (bao gồm cả phân tích Dioxin/Furan) (sẽ được quyết định trong quá trình khảo sát, đánh giá tại cơ sở). Đồng thời, để đảm bảo tính chính xác, khách quan, việc lấy mẫu và phân tích mẫu môi trường sẽ được thực hiện bởi 2 đơn vị độc lập.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường đưa vào danh sách kiểm tra, đánh giá những địa phương đang quản lý tốt vấn đề chất thải, các địa phương lớn nhưng hiện đang tồn tại bất cập trong quản lý; các tỉnh nhỏ hiện đang quản lý tốt hoặc đang khó khăn trong công tác quản lý chất thải rắn; các địa phương có các cơ sở xử lý chất thải là điểm nóng về môi trường; các cơ sở thiêu đốt có kiểm soát khí thải và không có biện pháp khí thải; các bãi chôn lấp hợp vệ sinh và chôn lấp không hợp vệ sinh… Ngoài ra, việc lựa chọn cũng căn cứ vào đặc điểm của các vùng miền.

Để triển khai Kế hoạch và đề xuất giải pháp tăng cường công tác quản lý, Bộ TN&MT đã yêu cầu các địa phương trên toàn quốc báo cáo về công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn để bước đầu nắm bắt thông tin tổng quát.

Minh Anh (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm tra đột xuất các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên toàn quốc