Kiên Giang: Đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững

Trương Anh Sáng|09/03/2018 10:23
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Năm 2017 vừa qua, tỉnh Kiên Giang đã thực hiện khá tốt công tác xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo từ 8,32% xuống còn 6,20% (giảm 2,12% so với năm 2016), đặc biệt hộ nghèo người dân tộc thiểu số còn 10,59 % (giảm 3,30% so với năm 2016). Bên cạnh đó, các chỉ tiêu giải quyết việc làm, đào tạo nghề, an sinh xã hội đã được các ngành, các cấp và chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện vượt chỉ tiêu kế hoạch, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

(Moitruong.net.vn)– Tỉnh Kiên Giang đã nỗ lực thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo vượt chỉ tiêu đề ra, tuy nhiên, việc giảm nghèo tại tỉnh lại chưa thực sự bền vững khi tỷ lệ hộ cận nghèo lại tăng lên.

Tuy nhiên, cũng còn tồn tại một số hạn chế: Giảm nghèo chưa thực sự bền vững, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm vượt so với kế hoạch đề ra, nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo tăng (0,28% so với năm 2016); giáo dục nghề nghiệp chưa có sự chuyến biến mạnh mẽ, chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Đào tạo nghề góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững

Do đó, các cấp, các ngành của tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách đối với người nghèo; hỗ trợ thiết thực cho người dân thoát nghèo bền vững, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng khó khăn. Tăng cường thực hiện giải pháp “Cả nước chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau”. Cùng với đó, cần tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức người dân, để tự lực vươn lên; chống tư tưởng ỷ lại, dựa vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở cần xây dựng kế hoạch, xác định địa bàn trọng điểm, điều kiện hoàn cảnh của từng hộ gia đình nghèo, cận nghèo, từ đó có các giải pháp phù hợp, góp phần thực hiện tốt giảm nghèo bền vững tại địa phương. Tăng cường phối hợp giữa các ngành và địa phương với doanh nghiệp, nhằm gắn chặt nhu cầu lao động với thị trường lao động.

Các địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, gắn với phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao tính chủ động của địa phương trong giải quyết việc làm sau đào tạo nghề cho người lao động, kể cả tìm kiếm thị trường lao động; quan tâm đối với công tác xuất khẩu lao động.

Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành tổ chức phân luồng đào tạo nghề cho học sinh trung học cơ sở, đẩy nhanh triển khai thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và những năm sau, theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Đặc biệt chính sách hỗ trợ đào tạo cho các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao và bố trí kinh phí thực hiện Đề án, xây dựng các chương trình, giáo trình đào tạo nghề cho người lao động theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, quan tâm xây dựng tác phong và kỹ năng cho người lao động. Tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội thực hiện tốt công tác giải quyết tồn đọng chính sách và nhà ở cho người có công.

Trương Anh Sáng


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững