(Moitruong.net.vn) – Tỉnh Kiên Giang là vùng đất tụ hội nhiều yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội, đặc biệt với những lợi thế về địa lý trên đất liền cũng như những thuận tiện trên biển khi giáp với nhiều nước như Thái Lan, Campuchia và Malaysia chính là điểm mạnh để tỉnh phát triển kinh tế.
Bộ đội biên phòng của tỉnh Kiên Giang tuyên truyền về chủ quyền biển đảo cho ngư dân
Vùng biển Kiên Giang thuộc Vịnh Thái Lan, hằng năm ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của bảo và áp thấp nhiệt đới nên thuận lợi trong phát triển ngành khai thác và nuôi trồng hải sản. Trong những năm gần đây số lượng tàu cá tăng khá nhanh về số lượng và quy mô, đặc biệt là loại tàu có công suất trên 400CV, góp phần tăng cường năng lực khai thác hải sản xa bờ. Tính đến cuối tháng 3/2017, toàn tỉnh có 10.763 tàu cá với tổng công suất 2.726.438 mã lực, công suất bình quân 253 mã lực/chiếc, trong đó có 10.364 tàu khai thác và 376 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá góp phần đưa tốc độc tăng trưởng bình quân 1,33%/năm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá những năm tới, trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, tác động nhiều mặt đến cơ cấu mùa vụ, khai thác và nuôi trồng thủy sản, gia tăng chi phí đầu tư, gây bất lợi cho người sản cho xuất. Các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của Liên minh Châu Âu và một số quốc gia khác ngày càng được siết chặt. Do đó đòi hỏi khai thác nuôi trồng thủy sản phải bảo đảm chất lượng. Đồng thời, việc tự do hóa thương mại là một vấn đề trọng tâm trong xu hướng toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới; các rào cản thuế quan đã được giảm đáng kể theo lộ trình, do đó sản phẩm thủy sản sản xuất phải có tính cạnh tranh cao trên thương trường để đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu dùng.
Biển đảo Lại Sơn huyện Kiên Hải
Mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2020 tỉnh Kiên Giang sẽ tập chung toàn lực để trở thành tỉnh mạnh về biển so với các tỉnh trong khu vực, hoàn chỉnh cơ bản hạ tầng kinh tế biển, phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế – xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia vùng biển, đảo.
Cùng với đó, tỉnh Kiên Giang sẽ tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản phù hợp với từng nhóm nghề, ngư trường, vùng biển; kết hợp khai thác với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Quan tâm đầu tư hiện đại hóa các trang thiết bị, ngư cụ khai thác; ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất cho ngư dân. Chuyển đổi cơ cấu nghề theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ, hạn chế khai thác ven bờ. Phát triển cơ cấu nghề khai thác theo hướng giảm dần những nghề khai thác gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái; duy trì và phát triển những nghề có tính chọn lọc cao, thân thiện với môi trường; phát triển các nghề câu khơi, vây khơi đánh bắt các đối tượng cá nổi di cư; nghề lặn kết hợp du lịch khám phá đáy biển; phát triển đa dạng nghề lưới rê hoạt động ở mọi tầng nước; giảm mạnh các nghề lưới kéo, nghề cố định khai thác ven bờ ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.
Đồng thời, áp dụng công nghệ tiến tiến vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng và bảo vệ môi trường sinh thái. Đầu tư các vùng sản xuất tập trung, công nghệ cao; đánh giá đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn, đặc biệt là xem xét đến tác động biến đổi khí hậu để giảm thiểu rủi ro trong sản xuất. Tổ chức sản xuất phải tuân thủ theo quy hoạch được duyệt; điều tiết mùa vụ và sản lượng linh hoạt theo cung cầu thị trường.
Quốc Tuấn