(Moitruong.net.vn) – Để bảo vệ và phát triển ngành thủy sản, nhiều năm qua, tỉnh Kiên Giang đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật để tăng cường nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của nguồn thủy sản đối với phát triển kinh tế vùng.
Ngư dân khai thác thủy sản trên vùng biển thành phố Rạch Giá
Giai đoạn 2012 – 2017, tỉnh Kiên Giang thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, triển khai nhiều hoạt động như: Tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản, phục hồi các bãi giống, bãi đẻ của thủy sản, xây dựng mô hình quản lý, sản xuất thủy sản gắn với cộng đồng; ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản…
Trong đó, Khu bảo tồn biển Phú Quốc bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và các loại động, thực vật quý hiếm với diện tích 27.000ha, gồm khu vực bảo tồn rạn san hô và khu vực bảo tồn thảm cỏ biển có vai trò quan trọng trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Hiện nay, Chi cục Thủy sản tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang hợp tác với Cục Thủy san xây dựng dự án “Thí điểm thả rạn nhân tạo vùng biển thuộc Khu bảo tồn biển Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang” nhằm bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Song song đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối phối hợp Câu lạc bộ ghẹ VASEP, Tổ chức bảo tồn thiên nhiếu quốc tế tại Việt Nam thực hiện chương trình cải thiện nghề khai thác ghẹ xanh (Chương trình FIP) duy trì bền vững nguồn lợi ghẹ xanh tự nhiên và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Chương trình FIP chính thức được triển khai từ năm 2012 đến nay nhằm đảm bảo sinh kế lâu dài cho bà con ngư dân, bảo vệ hệ sinh thái biển, duy trì trữ lượng ghẹ xanh bền vững…
Hội thủy sản Kiên Giang tuyên dương các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản
Những năm qua, chương trình kêu gọi cộng đồng, doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu ghẹ trong và ngoài tỉnh tự nguyện đóng góp ghẹ nhỏ, ghẹ trứng vào ngân hàng ghẹ. Qua đó, nhắc nhở mọi người không bắt, tiêu thụ ghẹ xanh mang trứng và ghẹ con sẽ duy trì trữ lượng nguồn lợi ghẹ bền vững. Chương trình FIP và các địa phương tích cực thả giống thủy sản về môi trường tự nhiên thường niên tại xã Tân Thạnh (huyện An Minh) và đầm Đông Hồ (thị xã Hà Tiên). Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng đến bà con ngư dân khai thác thủy sản đúng quy định, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khi khai thác thủy sản bằng phương tiện có tính chất tận diệt, hủy diệt.
Cùng với đó, tỉnh Kiên Giang triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn sự suy giảm thủy sản ở các huyện, thị xã, thành phố. Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh duy trì ổn định sản lượng khai thác thủy sản ở mức 500.000 tấn/năm gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trong đó, giảm dần khai thác thủy sản ven bờ (khoảng 35%), tăng sản lượng khai thác thủy sản xa bờ (65%). Đồng thời, giảm lượng tàu thuyền khai thác thủy sản đến năm 2020 còn 10.000 chiếc và nghiêm cấm các hoạt động khai thác thủy sản bằng dụng cụ cấm hoặc có tính chất hủy diệt.
Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang, tình trạng khai thác thủy sản của người dân hiện nay còn mang tính tự phát. Một bộ phận ngư dân vì lợi ích kinh tế trước mắt sử dụng xung điện và các ngư cụ để khai thác thủy sản trái phép; đưa tàu sang khai thác ở vùng biển nước ngoài… Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là Luật Thủy sản năm 2017 kết hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Thủy sản. Vận động các chủ tàu cá hợp tác trong khai thác và cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá.
Cải tiến công nghệ bảo quản sản phẩm thủy sản theo chuỗi khai thác – thu – mua – tiêu thụ để tăng chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, là chính sách hỗ trợ cho bà con ngư dân khai thác thủy sản gần bờ chuyển đổi ngành nghề, nhất là các nghề có ảnh hưởng tiêu cục đến nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển.
Quốc Tuấn