Kiên Giang: Tăng cường giáo dục an toàn giao thông trong trường học

Trương Anh Sáng|03/10/2019 02:26
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Phố biến giáo dục pháp luật giao thông góp phần nâng cao nhận thức và kĩ năng cần thiết về trật tự ATGT khi tham gia giao thông cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh góp phần xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực.

Công tác giáo dục an toàn giao thông (ATGT) trong các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh (HS) khi tham gia giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông.

Để đạt hiệu quả cao trong công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học cần phát huy vai trò của cấp ủy, lãnh đạo nhà trường và các tổ chức đoàn thể trong các cơ sở giáo dục trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục ATGT cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Xác định rõ nội dung, giải pháp, nhiệm vụ và phân công trách nhiệm cụ thể đối với các thành viên trong nhà trường trong công tác tuyên truyền, giáo dục các quy định về an toàn giao thông.

Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh

Kết hợp giáo dục chính khóa với các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép giáo dục an toàn giao thông vào các cuộc vận động, các phong trào thi đua và các hoạt động giáo dục, hoạt động phong trào trong nhà trường; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng băng đĩa, phim ảnh,… để nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhà trường. Thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục mỗi học sinh phải được trang bị các kiến thức, kỹ năng về an toàn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường thủy.

Giáo dục học sinh hiểu rõ các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, trọng tâm là: Các quy tắc giao thông đường bộ phù hợp với từng cấp học; các quy định về đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy; quy định về điều kiện được điều khiển mô tô, xe gắn máy; các quy định của pháp luật về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. 

Tuyên truyền, giáo dục HS khi đi đò phải mặc áo phao hoặc sử dụng cặp phao, dụng cụ cứu sinh. Chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo đảm an toàn khi sử dụng phương tiện giao thông đường thủy. Tùy điều kiện cụ thể của từng cơ sở giáo dục tổ chức dạy bơi cho HS; tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn đuối nước, đặc biệt quan tâm vào mùa mưa lũ nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn khi tổ chức cho HS khi đi tham quan, dã ngoại…

Tập huấn kĩ năng lái xe

Đổi mới sáng tạo trong việc xác định hình thức, nội dung tổ chức nhằm thu hút sự tham gia tích cực của học sinh như: tổ chức ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, dạy thành tiết học trong khung thời gian của các tiết ngoài giờ lên lớp (02 tiết trong tháng 9 của mỗi năm học,…), tăng cường nội dung giáo dục về đội mũ bảo hiểm và thực hiện Luật giao thông đường bộ cho học sinh.

Triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại khu vực trước cổng trường học. Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương giải tỏa không để buôn bán hàng rong, tạo điều kiện cho phụ huynh đưa đón con em tại khu vực cổng trường đảm bảo an toàn giao thông, tránh gây ùn tắc giờ cao điểm.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn không cho phép các phương tiện xe cơ giới lưu thông hoặc dừng đỗ trái phép trong khu vực có học sinh đang học, sinh hoạt, vui chơi trong khuôn viên nhà trường. Đặt biển báo hạn chế tốc độ, quy định khu vực cấm phương tiện giao thông cá nhân lưu thông, dừng đỗ trong khu vực trường học. 

Ngày hội thanh niên với văn hóa giao thông

Phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tiếp tục xây dựng mô hình“Cổng trường an toàn giao thông”, trao tặng mũ bảo hiểm với chủ đề “Giữ trọn ước mơ” cho học sinh lớp 1, năm học 2019-2020, khuyến khích các trường tiểu học, trung học cơ sở sử dụng bộ tài liệu “Văn hóa giao thông” lồng ghép trong giảng dạy chính khóa về an toàn giao thông và phổ biến, tuyên truyền, giáo dục thông qua các hoạt động ngoại khóa về “Văn hóa giao thông” cho học sinh.

Quy định cụ thể việc xử lý kỷ luật phù hợp với những trường họp học sinh vi phạm an toàn giao thông để nhắc nhở, giáo dục học sinh và thông báo cho tất cả phụ huynh biết để cùng thực hiện. Giao cho giáo viên chủ nhiệm có hình thức kiểm tra, giám sát, nhắc nhở hàng ngày đối với học sinh, đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào nội quy nhà trường và xếp loại học sinh. Tuyên dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và xử phạt những tập thể, cá nhân vi phạm.

Trương Anh Sáng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Tăng cường giáo dục an toàn giao thông trong trường học