Kiên Giang: Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh

Trương Anh Sáng|25/08/2019 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Năm học 2018-2019, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang có 673 đơn vị, trường học; có 1.614 điểm trường, với 11.491 lớp; huy động 340.324  học sinh và có 13 đơn vị ngoài ngành thực hiện công tác giáo dục thường xuyên, với 67 lớp, 1903 học sinh. So với cùng kỳ năm học 2017-2018, toàn ngành tăng 01 trường; tăng 3.316 học sinh; giảm 224 điểm trường, giảm 297 lớp.

Đội ngũ nhà giáo tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên và CBQL giáo dục được tổ chức chặt chẽ, chú trọng chất lượng. Các đơn vị đã đẩy mạnh thực hiện nghiên cứu khoa học, ứng dụng giải pháp tác nghiệp, giải pháp kỹ thuật đạt kết quả thiết thực. Công tác truyền thông giáo dục được tăng cường và phát huy hiệu quả.

Chất lượng giáo dục được nâng lên, nhiều chỉ số phát triển ổn định và bền vững như: Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi vào các cấp học, ngành học tăng dần hàng năm; kết quả giáo dục 2 mặt phát triển ổn định, tỷ lệ học sinh bỏ học, học lực yếu, kém giảm; tỷ lệ học sinh khá, giỏi, tốt nghiệp các cấp tăng. Kết quả phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tiếp tục được duy trì, củng cố và nâng cao. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy và học được đẩy mạnh và đạt được một số kết quả nhất định.

Ông Đỗ Thanh Bình, phó chủ tịch tỉnh trao tặng Bằng khen các cá nhân tiêu biểu.

Mạnh dạn áp dụng thí điểm, kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng các mô hình và phương pháp giáo dục tích cực mang lại hiệu quả rõ rệt cụ thể nhất là Chương trình Công nghệ giáo dục – Tiếng Việt lớp 1, mô hình trường học mới (VNEN) ở cấp tiểu học và THCS.

Năm học 2019-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở giáo dục, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các ban ngành, đoàn thể cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2016-2020; khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về giáo dục và đào tạo mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh,…

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp sáng tạo gắn với giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông, bố trí đủ số lượng và nâng cao chất lượng giáo viên thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp trong các trường trung học.

Đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tích cực triển khai thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh cải cách hành chính về giáo dục và đào tạo, thực hiện cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành chính sách, pháp luật. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; từng bước hội nhập quốc tế trong các hoạt động giáo dục và đào tạo.

Thực hiện công tác khảo thí theo hướng đánh giá năng lực người học, bảo đảm công bằng, khách quan, chính xác, tin cậy, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dạy và người học; đẩy mạnh kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và đào tạo, các chương trình đào tạo, tăng cường công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Đảm bảo thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với học sinh diện chính sách xã hội; học sinh, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; quan tâm tạo điều kiện thuận lợi, cơ hội học tập hòa nhập cho học sinh khuyết tật, thực hiện hiệu quả công tác truyền thông giáo dục; phổ biến, quán triệt các nhiệm vụ, các quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về đổi mới về giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới, nhất là chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trương Anh Sáng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh