Kiến nghị xây đường ống kín từ sông Đà về nhà máy nước

Hạnh An (t/h)|18/10/2019 06:45
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Để đảm bảo an toàn cấp nước, UBND tỉnh Hòa Bình kiến nghị khẩn trương lắp ống dẫn nước kín từ sông Đà vào nhà máy, thay vì dùng nước suối chảy lộ thiên như hiện nay.

Kiến nghị được nêu trong báo cáo ngày 17/10 của UBND tỉnh Hòa Bình, do Phó chủ tịch Bùi Đức Hinh ký. Chiều cùng ngày, các cơ quan chức năng tỉnh này và Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) họp báo thông tin vụ đổ trộm dầu thải hôm 8/10.

Trước mắt sẽ xử lý triệt để các nguồn gây ô nhiễm. Về lâu dài, tỉnh sẽ quản lý, kiểm soát nước hồ bằng cách lắp đường ống kín từ sông Đà về nhà máy.

Bên cạnh đó, xây dựng phương án, trang bị các phương tiện, thiết bị cần thiết và thực hiện các biện pháp kịp thời kịp thời ứng phó, khắc phục các sự cố ảnh hưởng tới nguồn nước. Trường hợp không đảm bảo chất lượng nước đầu vào, phải ngừng ngay hoạt động sản xuất, báo cáo đến các cơ quan chức năng của địa phương, Trung ương.

UBND tỉnh Hòa Bình cho rằng, để hạn chế nguy cơ ô nhiễm nguồn nước nguyên liệu, Viwasupco cần khẩn trương lắp đặt tuyến ống dẫn nước kín trực tiếp từ sông Đà về nhà máy, thay vì lấy nước qua các kênh dẫn hở như hiện nay. 

Do hồ Đầm Bài có diện tích rộng (69 ha), diện tích lưu vực lớn (16 km2) cùng nhiều suối nhỏ dẫn vào hồ nên gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ vùng hồ, kiểm soát chất lượng các nguồn nước đổ về hồ. UBND tỉnh Hoà Bình yêu cầu Viwasupco cần khẩn trương có giải pháp đầu tư tuyến ống dẫn nước thô kín từ sông Đà và trạm bơm, để bơm trực tiếp nước thô từ sông Đà lên bể lắng sơ bộ đặt trong khu xử lý, và dẫn vào trạm xử lý để đảm bảo an toàn cấp nước cho nhà máy nước sông Đà, ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm 2 bên lưu vực kênh dẫn dòng và lưu vực hồ Đầm Bài.

Trước đó, đêm 8/10, dầu thải từ xe tải đổ trộm xuống khe núi xã Phú Minh gặp cơn mưa đã chảy xuống suối Trầm. Dòng nước ô nhiễm từ suối lan xuống kênh dẫn nước, chảy về hồ Đầm Bài. Nguồn nước qua trạm xử lý nước sạch vẫn có mùi dầu hắc, khiến nước sinh hoạt của khoảng 250.000 hộ dân Tây Nam Hà Nội bị nhiễm styren.

Ngày 16/10, cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) khởi tố vụ án hình sự về tội Gây ô nhiễm môi trường theo Điều 235, Bộ luật hình sự 2015.

Hạnh An (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiến nghị xây đường ống kín từ sông Đà về nhà máy nước