Kinh tế môi trường

Kon Tum: Mở rộng vùng trồng sâm củ tại 2 huyện tiềm năng

Tuấn Anh 12:00 14/11/2024

UBND tỉnh Kon Tum đã có phương án để phục vụ cho việc mở rộng phạm vi trồng sâm củ trên nền địa hình, khí hậu thuận lợi. Kết quả thử nghiệm đạt được tín hiệu tốt.

Vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành quyết định phê duyệt Dự án mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”, dự án này được thực hiện trong năm 2025, thuộc chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021-2030 của tỉnh.

Cụ thể, dự án này triển khai nhằm nghiên cứu xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đăng ký mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” đối với sản phẩm sâm củ trên địa bàn các xã Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Đăk Sao, Đăk Rơ Ông (thuộc huyện Tu Mơ Rông); Đăk Man (trừ các tiểu khu 16, 17, 18, 20, 22, 25 và một phần các tiểu khu 19, 21, 23, 24), xã Đăk Plô, Đăk Nhoong, Đăk Choong (trừ các tiểu khu 59, 60, 65 và một phần các tiểu khu 19, 21, 23, 24, cùng thuộc huyện Đăk Glei); xã Đăk Tăng, Măng Bút (thuộc huyện Kon Plông) và Đăk Kôi (thuộc huyện Kon Rẫy). Bên cạnh đó, xây dựng hồ sơ đăng ký mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ tại Cục Sở hữu trí tuệ.

34f7628fb9f502ab5be4-3719.jpg
Sâm Ngọc Linh được trồng nhân rộng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Dự án có mục tiêu chung là xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn để đăng ký mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Với quyết định trên của UBND tỉnh, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Đối với địa bàn huyện Tu Mơ Rông, các xã đã được cấp chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ là xã Đăk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi và Tê Xăng. Nhờ được cấp chỉ dẫn địa lý, sâm Ngọc Linh trên địa bàn đã có thương hiệu, được người tiêu dùng tín nhiệm lựa chọn để sử dụng bồi dưỡng sức khỏe. Những khu vực được cấp chỉ dẫn sâm củ nói trên hiện đang được đồng bào Xơ Đăng và doanh nghiệp cùng nhau liên kết trồng sâm Ngọc Linh, cùng hưởng lợi, làm giàu dưới tán rừng. Đồng bào Xơ Đăng đã trở thành “tỷ phú” nhờ sâm, có năm tiền bán hạt sâm thu được cả 10 tỷ đồng trên một hộ.

Ngoài 6 xã được cấp chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh nói trên, 4 xã đang được đưa vào nghiên cứu mở rộng cấp chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh là Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Đăk Sao, Đăk Rơ Ông. Các xã này cũng có tiềm năng, thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi để trồng sâm Ngọc Linh. Đó là những khu rừng già, độ cao thích hợp, khí hậu lạnh. Thực tế, tại 4 xã đưa vào danh sách nghiên cứu mở rộng nói trên, người dân cũng đã thử nghiệm trồng sâm Ngọc Linh và nhận được kết quả sâm sinh trưởng, phát triển rất tốt.

Việc UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt dự án khoa học công nghệ về mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ là quyết định đúng, trúng, kịp thời, nhằm xây dựng luận cứ vững chắc, làm căn cứ để mở rộng vùng trồng sâm Ngọc Linh, giúp đồng bào Xơ Đăng thêm cơ hội làm giàu nhờ cây sâm Ngọc Linh. Địa phương sẵn sàng hợp tác với các đơn vị được giao nghiên cứu cứu để đề án sớm được hoàn thành, giúp đồng bào làm giàu trên chính tài nguyên của mình.

Bài liên quan
  • Văn khấn rằm tháng 10 âm lịch 2024: Xin bình an, cầu tài lộc
    Rằm tháng 10 - dịp để mỗi gia đình Việt Nam bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên qua nghi thức văn khấn rằm tháng 10. Những lời khấn nguyện chân thành được gửi gắm vào từng nén hương, từng mâm lễ vật, thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, tổ tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Kon Tum: Mở rộng vùng trồng sâm củ tại 2 huyện tiềm năng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.