Kỹ năng phòng ngừa tai nạn thương tích trong mùa mưa bão

22/10/2020 04:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trong mùa mưa bão, lũ, người dân phải đối diện với rất nhiều bệnh dịch và các tai nạn rủi ro. Một số kỹ năng dưới đây sẽ giúp xử trí đúng và phòng tránh tai nạn thương tích để mọi người có thể tham khảo.

Sét đánh mùa mưa bão
Hiện đang vào mùa mưa giông vì vậy hiện tượng sét đánh thường xuyên xảy ra rất dễ gây nguy hiểm cho con người. Người bị sét đánh có thể ngừng tim ngay lập tức. Ở những người khác có thể không thấy các dấu hiệu tổn thương bên ngoài. Một số người có thể mất ý thức trong thời gian khác nhau. Họ có vẻ lú lẫn hoặc không nhớ chuyện gì xảy ra…
Ảnh minh họa
Xử trí sét đánh tại nhà hoặc hiện trường là cần đặt nạn nhân nằm lên chỗ khô ráo, bằng phẳng, nới rộng quần áo để người bị nạn thở được dễ dàng. Khẩn trương tiến hành hô hấp nhân tạo. Nếu phát hiện nạn nhân bị gãy xương, cần cố định xương chắc chắn trước khi di chuyển. Đặc biệt cẩn thận, không di dời nạn nhân nếu nghi ngờ bị gãy cột sống. Đối với những vị trí bỏng khô, phải để yên, không sờ mó, không bôi các loại lá, mỡ theo kinh nghiệm dân gian lên vết bỏng. Sau khi đã thực hiện sơ cứu, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.
Để phòng chống sét hiệu quả: Khi thấy chuyển mưa dông, những người làm việc ngoài trời cần nhanh chóng về nhà hoặc vào trú ẩn ở các lán trại. Nếu không sơ tán kịp thì phải tránh xa các vật dụng kim loại như: cày bừa, cuốc xẻng, máy bơm nước, xe máy, xe đạp… Đặc biệt lưu ý không tránh mưa dưới các gốc cây to, nhất là những cây cao đơn độc trong vùng trống trải. Bởi  khi tia sét bắt vào cây, dòng điện mạnh có thể truyền sang bất cứ một vật nào dẫn điện hoặc truyền xuống gốc cây tỏa ra trên mặt đất gây tai nạn cho những người trú ẩn dưới gốc cây.
Ngạt nước
Khi cấp cứu nạn nhân bị ngạt nước, để nằm sấp nghiêng đầu, ấn đẩy mạnh hai tay vào vùng thượng vị hoặc dốc ngược nhanh nạn nhân lên, nhưng không kéo dài quá 1 phút. Lau mũi, miệng, họng. Nếu nạn nhân thở yếu thì thổi ngạt miệng – miệng. Tuyệt đối không chữa theo mách bảo, kinh nghiệm.
Ảnh minh họa
Nếu được phát hiện và cứu vớt muộn: Nạn nhân đã bị uống và hít nhiều nước vào đường thở, nên thiếu ôxy nặng. Thường dãy dụa dưới mặt nước, sủi bọt lên mặt nước. Khi được cứu vớt lên bờ có các biểu hiện hoảng loạn, vật vã, thở nhanh, nông, miệng trào bọt hồng, toàn thân lạnh, da nhợt nhạt, tím, tim đập nhanh, yếu hoặc đập chậm, mạch nảy yếu khó bắt.
Để nằm sấp nghiêng đầu, ấn đẩy mạnh hai tay vào vùng thượng vị hoặc dốc ngược nhanh nạn nhân lên, nhưng không kéo dài quá 1 phút. Lau mũi, miệng, họng. Nếu nạn nhân thở yếu thì thổi ngạt miệng – miệng. Thay quần áo ướt bằng quần áo khô hoặc bọc phủ bằng khăn khô. Sau đó ủ ấm cho nạn nhân, xoa các loại dầu nóng sau đó chuyển nhanh đến cơ sở y tế gần nhất, trên đường vận chuyển phải tiếp tục hồi sức hô hấp (nếu cần) và theo dõi nhịp tim. Tuyệt đối không chữa theo mách bảo, kinh nghiệm.
Để phòng chống đuối nước người dân cần lưu ý không đi qua các khu vực ngập nước, nước chảy xiết. Nếu phải vượt qua các khu vực ngập nước phải có phao cứu sinh, đi nhiều người (để tương trợ nhau lúc cần thiết); tại những vùng nguy hiểm phải có biển báo hoặc cử người túc trực để báo cho người dân biết các đoạn nguy hiểm.
Điện giật
Một trong những tai nạn thường xảy ra và nguy hiểm nhất trong mùa mưa bão là điện giật. Người dân cần thận trọng với các thiết bị điện trong mùa mưa bão bởi đây có thể là “hung thủ” gây án vô cùng nguy hiểm. Trong trường hợp nạn nhân bị điện giật, cần nhanh chóng ngắt cầu dao điện, tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện bằng cách dùng các gậy gỗ khô, ván gỗ hoặc bất cứ vật dụng nào không có tác dụng dẫn điện sau đó đặt nạn nhân ở nơi thoáng mát.
Đối với những nạn nhân bất tỉnh, cần tiến hành hô hấp nhân tạo và ép lồng ngực ngay tại chỗ đến lúc nào nạn nhân có thể tự thở được. Đồng thời kết hợp kiểm tra mức độ tổn thương trên cơ thể, đặc biệt ở vị trí đốt sống cổ bởi những tổn thương do điện giật gây ra có thể khiến nạn nhân bị liệt nếu không được sơ cứu kịp thời.
Sơ cứu gãy xương
Ảnh minh họa
Gãy xương hay gặp do nhà sập, cây đè, té ngã. Gãy xương nếu không được sơ cấp cứu đúng sẽ làm nặng thêm cho nạn nhân. Tuyệt đối không di chuyển nạn nhân khi chưa được cố định xương gãy. Cần cố định chi gãy theo tư thế cơ năng (chi ở tư thế nào nên cố định ở tư thế đó), không kéo, nắn hay chỉnh sửa tư thế chi; dùng nẹp đúng cỡ, có chèn gạc hoặc giẻ ở những nơi nẹp ép sát vào da của nạn nhân (tránh xây xát, rách da).
Trong trường hợp nạn nhân mê, cho đầu nghiêng về một bên (để tránh tụt lưỡi lấp đường hô hấp). Sau khi đã cố định được gãy xương, di chuyển nạn nhân nhẹ nhàng đến cơ sở y tế gần nhất đủ điều kiện để điều trị tốt hơn.
Hà An
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỹ năng phòng ngừa tai nạn thương tích trong mùa mưa bão