Kỷ niệm 67 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2021): Bài học về phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc

Hà Anh|07/05/2021 02:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – 67 năm đã trôi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn còn nguyên giá trị lịch sử to lớn, sống mãi trong ký ức của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Họ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, xương máu cho Tổ quốc để làm nên chiến thắng. Trong câu chuyện của những người lính giờ đã ở tuổi xưa nay hiếm, thế hệ trẻ hôm nay như được sống giữa một thời hào hùng đầy oanh liệt…

Ý nghĩa lịch sử trọng đại

Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 của quân dân Việt Nam đã đập tan những cố gắng quân sự cao nhất của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva (7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài 9 năm (1945 – 1954). Đồng thời, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp kéo dài hàng thế kỷ, mở ra bước phát triển mới cho cách mạng Việt Nam, Lào, Campuchia.

Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 đập tan một mắt xích quan trọng trong hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ, mở đầu cho sự sụp đổ trên phạm vi toàn thế giới; giáng đòn nặng nề đầu tiên vào dã tâm xâm lược của chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Nhà sử học Pháp Jules Roy sau này đã thừa nhận, xét trên phạm vi thế giới “Điện Biên Phủ thất thủ gây nỗi kinh hoàng khủng khiếp. Đó là một trong những thảm bại lớn nhất của phương Tây, báo trước sự sụp đổ của các đế quốc thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa. Tiếng sấm Điện Biên Phủ vẫn hãy còn vang vọng”.

Nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại của Pháp, trong đó có không ít loại mang nhãn hiệu Mỹ bị quân ta phá hủy hoặc thu được trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Cũng từ đây, “tiếng sấm Điện Biên Phủ” có sức cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc thuộc địa đấu tranh giành độc lập, nhất là các nước châu Phi, châu Mỹ la-tinh; đồng thời góp phần làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác – Lênin thời đại ngày nay: Một dân tộc bị áp bức nhưng nếu quyết tâm chiến đấu vì độc lập tự do, có đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, biết phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân, sức mạnh thời đại thì hoàn toàn có khả năng đánh bại những đội quân xâm lược hung bạo. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ bắt nguồn từ nhiều nhân tố: Đó là đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng; từ tinh thần yêu nước nồng nàn và nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam được kế thừa và phát triển lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh; bắt nguồn từ tình đoàn kết và liên minh chiến đấu giữa ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương, sự giúp đỡ quan trọng của Trung Quốc, Liên Xô và sự đồng tình, ủng hộ từ bè bạn quốc tế, trong đó có nhân dân tiến bộ Pháp. Nhưng nguồn gốc sâu xa nhất chính là từ tình yêu quê hương đất nước, là khát vọng độc lập, tự do đến cháy bỏng của mỗi con dân đất Việt.

Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 để lại cho cách mạng Việt Nam những bài học – kinh nghiệm rất quý báu: Giữ vững và tăng cường phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, trên cơ sở chủ trương, đường lối đúng đắn, kịp thời nắm bắt thời cơ, chớp thời cơ, chỉ đạo chiến lược nhạy bén, sắc sảo nhằm tập trung sức mạnh cao độ cả nước để giành thắng lợi quyết định; thực hiện tốt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, biết dựa vào dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân; phát huy thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, không ngừng xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng lớn mạnh, đặc biệt là bộ đội chủ lực để sẵn sàng thực hiện tốt nhiệm vụ, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, những trận quyết chiến; không ngừng chăm lo, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, lấy liên minh giai cấp công – nông làm nền tảng, tích cực đấu tranh vì mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; xây dựng tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đều hướng đến mục tiêu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội. Những bài học – kinh nghiệm ấy vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục được Đảng, Nhà nước ta chắt lọc, vận dụng sáng tạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 để lại cho cách mạng Việt Nam những bài học – kinh nghiệm rất quý báu

Từ chiến thắng Điện Biên Phủ đến thực hiện mục tiêu ‘kép’

Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với vô số khó khăn. Đại dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới và trong nước với biến chủng mới của virus SARS-Cov-2 lây lan nhanh, khó phát hiện.

Ảnh minh họa

Về kinh tế – xã hội, bên cạnh những tín hiệu tốt, tích cực nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những diễn biến phức tạp, khó lường, khó đoán của dịch COVID-19, tác động đến toàn bộ các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước; nhiều tồn đọng kéo dài chưa được giải quyết; một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo…

Những bài học kinh nghiệm của chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ có giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay, giúp chúng ta vượt qua những khó khăn thách thức không nhỏ trong thực hiện mục tiêu “kép”, vừa phòng chống đại dịch COVID-19 thành công; vừa phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Tại phiên họp Chính phủ ngay sau khi kiện toàn (ngày 16/4) các thành viên Chính phủ thống nhất xác định cần phải đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; hành động thiết thực, hiệu quả; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong hành động; tiếp tục khơi dây và thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước.

Phải nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn và căn cứ vào chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để có giải pháp phù hợp. Hành động phải quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc; hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân…

Đối với việc phòng chống đại dịch COVID-19, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 5/5, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần “Chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công”.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương và người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để phải trả giá đắt. Mọi sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác sẽ phải trả giá về tính mạng con người, sức khỏe cộng đồng, tiền của, cơ hội, phát triển kinh tế-xã hội, trật tự an toàn xã hội và niềm tin, uy tín với nhân dân.

Tin rằng với sự quyết tâm, chung sức đồng lòng, đoàn kết thống nhất của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển nền kinh tế như các mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra như cha ông chúng ta đã làm trong chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại của dân tộc.

Hà Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Kỷ niệm 67 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2021): Bài học về phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc