Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023: 40 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi

Hà My|30/06/2023 15:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trong 2 ngày thi tốt nghiệp THPT 2023 có 40 thí sinh bị đình chỉ thi vì mang điện thoại vào phòng thi; 6 cán bộ phải đình chỉ coi thi vì vi phạm quy chế.

30-thi-tn.jpg
Toàn cảnh buổi họp báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

Sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 kết thúc, chiều 29/6 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức họp báo thông tin về kỳ thi.  Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi chủ trì buổi họp báo. Cùng dự có Thiếu tướng Trần Đình Trung, Phó Cục trưởng Cục A03 (Bộ Công an).

Tại buổi họp báo, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Huỳnh Văn Chương cho biết, cả nước có 1.012.398 thí sinh tham gia dự thi, đạt 98,86% so với số thí sinh đăng ký.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định kỳ thi đã kết thúc tốt đẹp với sự chuẩn bị kỹ của các địa phương và bộ ngành liên quan với trên 250.000 cán bộ, giáo viên làm công tác thi.

Theo số liệu mới cập nhật của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong hai ngày thi có 41 thí sinh bị đình chỉ thi. Trong đó có 40 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi. Có 6 cán bộ phải đình chỉ coi thi vì vi phạm quy chế.

Trong quá trình coi thi, cá biệt còn một số thí sinh cố tình vi phạm quy chế sử dụng điện thoại trong phòng thi và một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình quy định khi coi thi.

Trong đó có việc 2 thí sinh tại Cao Bằng và Yên Bái sử dụng điện thoại di động chụp ảnh đề thi gửi cho người thân nhờ giải đề thi. Hình ảnh sau đó bị lan truyền trên mạng xã hội và báo chí.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị Cục An ninh chính trị nội bộ xác minh và đình chỉ 2 thí sinh trên. Hiện Cục An ninh chính trị nội bộ đang tiếp tục làm rõ những vấn đề khác có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hai sự việc trên không ảnh hưởng đến kết quả tổ chức kỳ thi. Ngay trong khi kỳ thi diễn ra, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công điện yêu cầu tăng cường biện pháp giám sát kỳ thi sau khi có hai vụ lọt đề thi xảy ra.

Về đề thi, ông Huỳnh Văn Chương khẳng định đề thi được ra bám sát chương trình giáo dục THPT, chủ yếu lớp 12, đảm bảo mục tiêu của kỳ thi, không xảy ra sai sót. Ngoài mục tiêu xét tốt nghiệp, thí sinh có thể sử dụng kết quả thi này để xét tuyển vào đại học.

GS Nguyễn Ngọc Hà, trưởng ban đề thi cấp quốc gia, cho biết việc xây dựng đề thi phải đảm bảo nguyên tắc chung là bám sát cấu trúc đã công bố. Đề thi cũng được ra trong chương trình THPT và đảm bảo tính phân hóa.

Đối với ý kiến cho rằng đề thi văn năm nay cũ về cấu trúc, câu lệnh, khó khích lệ đổi mới, sáng tạo trong dạy học văn, ông Ngọc Hà cho biết trong các năm gần đây, đề văn ở phần Đọc hiểu đã sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa nên đa dạng hơn, có thể khuyến khích thí sinh trình bày suy nghĩ độc lập và một số câu đọc hiểu còn có tính giáo dục.

Nhưng ở câu hỏi nghị luận văn học thì đang bị ràng buộc bởi chương trình hiện nay nên chỉ có thể làm tốt nhất trong điều kiện hiện tại. Việc đổi mới đề văn sẽ cần có thời gian để thay đổi dần khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đối với ý kiến của một số nhà giáo cho rằng tính phân hóa trong đề thi toán năm nay chưa ổn, có sự thay đổi đột ngột độ khó giữa các phần khác nhau nên sẽ khó cho các trường đại học tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, ông Ngọc Hà trao đổi: khi xây dựng đề thi, ban đề sẽ chú ý đến một số tiêu chí. Cụ thể là tiêu chí công bằng, đủ để phân hóa được học sinh. Với tính công bằng, ban đề phải dựa vào bốn cấp độ kiến thức kỹ năng và cùng nhau trao đổi rất kỹ để đảm bảo tính phân hóa.

Cơ bản đề thi năm nay đều đảm bảo có bốn cấp độ. Trong đó có 50% ở mức độ nhận biết, 25% ở mức thông hiểu, phần còn lại là vận dụng và vận dụng cao.

Chưa phát hiện bên ngoài giải đề gửi vào phòng thi

Về chống gian lận thi cử, ông Huỳnh Văn Chương cho biết giải pháp phòng chống gian lận đã được thông qua nhiều đợt tập huấn, đã biết, đã phòng và cảnh báo. Tuy nhiên khi tổ chức kỳ thi với quy mô lớn với hơn 1 triệu thí sinh thì sẽ có trường hợp cá biệt xảy ra.

Đối với hai thí sinh sử dụng điện thoại trong phòng thi và gửi đề thi văn và toán ra ngoài phòng thi ở Cao Bằng và Yên Bái, Bộ Công an đang tiếp tục điều tra, xác minh các bên liên quan, sau đó sẽ xử lý theo pháp luật.

Thiếu tướng Trần Đình Chung - phó cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) - thông tin thêm: "Trong kỳ thi, khi có thông tin hai thí sinh chụp ảnh gửi đề thi ra bên ngoài, chúng tôi đã khẩn trương xác minh và tìm ra các thí sinh thực hiện hành vi dùng điện thoại chụp đề thi gửi ra ngoài. Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục xem xét có tình trạng giải đề thi ở bên ngoài gửi vào hay không. Nhưng ở thời điểm hiện tại chưa phát hiện việc này".

"Trong tương lai, việc những đối tượng gian lận sử dụng thiết bị công nghệ cao chắc chắn vẫn có. Trước kỳ thi này, Bộ Công an đã phá hai vụ án liên quan tới mua bán thiết bị công nghệ cao sử dụng vào việc gian lận thi cử và sẽ tiếp tục phối hợp nhằm ngăn chặn.

Nhưng trong việc này, cần đẩy cao tuyên truyền để cảnh báo, răn đe. Đồng thời nên nghiên cứu phương án chủ động phát hiện thiết bị công nghệ cao trong các kỳ thi", ông nói.

Về việc xử lý hai thí sinh gửi đề ra ngoài phòng thi, Bộ Công an sẽ căn cứ vào kết quả xác minh, đánh giá mức độ hậu quả xảy ra, xem xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

"Nếu hành vi để lộ đề của hai thí sinh ở Cao Bằng và Yên Bái đến mức phải xử lý hình sự thì sẽ xử lý hình sự, nếu không sẽ xử lý hành chính. Trước khi xử lý phải tính toán tính nhân văn, kết quả sẽ được thông báo đến báo chí", ông nói.

Liên quan đến sự cố đề thi văn và toán là "lộ đề" hay "lọt đề", thiếu tướng Chung cho biết trước đây khái niệm "lộ" đã được sử dụng trong pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước. Hiện nay đã có Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, căn cứ theo pháp luật hiện hành, chỉ còn khái niệm "lộ", không còn "lọt".

Thi tốt nghiệp không còn áp lực như trước

Gút lại các vấn đề đặt ra trong họp báo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết: qua công tác kiểm tra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của địa phương và sự hỗ trợ kịp thời, chặt chẽ của Bộ Công an.

Cán bộ công an vừa là người đi tập huấn, vừa là người tập huấn và các cán bộ an ninh đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm cho cán bộ làm thi để phát hiện, ngăn ngừa dấu hiệu gian lận thi cử.

Với sự hỗ trợ của Bộ Công an, nguy cơ gian lận thi bằng thiết bị công nghệ cao đã được Ban chỉ đạo thi cấp quốc gia hình dung từ trước khi kỳ thi diễn ra và có sự chuẩn bị ứng phó.

"41 thí sinh vi phạm quy chế thi có đến 40 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi. Nguy cơ lọt đề thi rất lớn nếu không có những nỗ lực ngăn chặn của những người làm công tác thi", ông Thưởng chia sẻ.

Ông Thưởng cho rằng kỳ thi không còn áp lực như trước do công tác tuyên truyền được tăng cường trên tinh thần công khai, minh bạch. Các địa phương cũng làm tốt việc quan tâm, chăm sóc thí sinh các địa bàn khó khăn.

Về vấn đề đề thi, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết đã có nhiều điều chỉnh về quy trình, về việc huy động nhân sự.

Cũng theo ông Huỳnh Văn Chương, công tác chấm thi, công bố kết quả thi sẽ sớm được các địa phương triển khai. Dự kiến sẽ công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 vào ngày 24/7.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023: 40 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi