Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ diễn ra như thế nào?

Hoàng Minh|25/09/2020 10:17
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 về cơ bản vẫn giữ ổn định như năm nay, Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục ra đề thi thống nhất trên cả nước và các địa phương chủ trì tổ chức kỳ thi.

Tại cuộc họp của Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực chiều 23/9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 không có gì thay đổi so với năm 2020. Theo đó, chỉ tập trung nghiên cứu áp dụng công nghệ và chú trọng xây dựng, phát triển ngân hàng câu hỏi thi phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.

Như vậy, hình thức kỳ thi tốt nghiệp trong giai đoạn tới vẫn là thi trên giấy (theo phương thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020). Các địa phương được khuyến khích tổ chức thi trên máy tính khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, điều kiện: ngân hàng câu hỏi thi, nhân lực, thiết bị, quy trình… Thi trên máy tính phải được tính toán để bảo đảm các yêu cầu tương quan với thi trên giấy và thí sinh có thể được dự thi một số lần trong năm.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong các năm tới vẫn có 5 bài thi gồm: 3 bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ); 1 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên gồm tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học; 1 bài thi tổ hợp khoa học xã hội gồm tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đối với thí sinh giáo dục THPT và tổ hợp các môn lịch sử, địa lý đối với thí sinh giáo dục thường xuyên.

Ảnh minh họa.

Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Ngân hàng câu hỏi thi được bổ sung về số lượng và đảm bảo chất lượng, khách quan, tin cậy và độ cân bằng giữa các đề thi.

Trong năm 2021 và thời gian đầu của giai đoạn 2021 – 2025, Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức xây dựng, cung cấp đề thi cho các địa phương, bảo đảm sự thống nhất trong đánh giá trên toàn quốc; đồng thời, có quy định (ma trận/cấu trúc đề thi, ngân hàng câu hỏi, quy trình thực hiện) và giải pháp hỗ trợ các địa phương xây dựng ngân hàng câu hỏi thi để có đủ điều kiện chủ trì ra đề thi các năm sau.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Đổi mới giáo dục nói chung và đổi mới thi là quá trình được bàn từ khi xây dựng Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tiếp đến là Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29. Bộ GD&ĐT chọn thi cử là khâu đột phá vì thi được người dân quan tâm, nhiều bức xúc nhất ở thời điểm đó.

Cạnh đó, đổi mới cần có lộ trình, qua 6 năm thực hiện lộ trình đổi mới thi đến nay cơ bản đã hoàn thành. Năm nay dù bị ảnh hưởng dịch nhưng chúng ta đã tổ chức kỳ thi và các trường đại học đang thực hiện xét tuyển theo tiến độ. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ có báo cáo Chính phủ về 6 năm thực hiện đổi mới thi.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT cần tập trung xây dựng ngân hàng đề thi ngày càng phong phú, có lộ trình công khai để thí sinh học, ôn luyện. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, có lộ trình tiến tới thi qua máy càng nhiều càng tốt, thi nhiều đợt trong năm, thi qua các trung tâm khảo thí.

Hoàng Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ diễn ra như thế nào?