Lai Châu: Hạn kéo dài, ưu tiên nước cho sản xuất lúa một vụ ở vùng cao

Minh Trang|09/06/2023 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bà con vùng cao tại Lai Châu đang bước vào gieo cấy lúa mùa, một số nơi đã ưu tiên, đảm bảo nước cho sản xuất nông nghiệp trong tình hình khô hạn kéo dài.

Tại xã Sơn Bình của huyện Tam Đường (Lai Châu), thời điểm này, bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đang tập trung gieo cấy vụ chính trong năm. Do điều kiện khí hậu và tập quán canh tác, bà con dân tộc thiểu số ở đây chỉ cấy lúa một vụ mùa trong năm, thu hoạch vào khoảng tháng 10 hàng năm.

nuoc-cho-san-xuat-lua-1.jpg
Hiện còn nhiều diện tích sản xuất vụ mùa của xã Khun Há đang thiếu nước nghiêm trọng

Thời gian qua, trên địa bàn xã Sơn Bình cũng như một số xã của huyện Tam Đường rơi vào tình trạng khô hạn, thiếu nước canh tác. Trước tình trạng trên, chính quyền địa phương đã tìm mọi giải pháp để đáp ứng nhu cầu nước sản xuất cho bà con đúng thời điểm vào vụ mùa.

Ông Phạm Văn Định, Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết, năm nay thời tiết không thuận lợi, xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước nhưng cơ bản đến nay nước sản xuất đã ổn định. Trên địa bàn xã có khoảng 100ha canh tác lúa một vụ, bà con đã cấy lúa xong.

"Ngoài duy trì hệ thống thủy lợi hoạt động ổn định, chính quyền địa phương còn làm việc với các nhà máy thủy điện trên địa bàn. Sau khi gửi công văn và làm việc với các nhà máy thủy điện, các đơn vị đã cam kết duy trì dòng chảy tối thiểu, thậm chí xả nước để bà con có đủ nước canh tác đúng vụ mùa, không tích nước trong thời điểm này", ông Phạm Văn Định cho biết thêm.

Theo kế hoạch, vụ mùa năm nay xã Khun Há sẽ thực hiện gieo cấy 625 ha lúa với các cơ cấu giống chủ yếu là lúa lai. Đây là vụ sản xuất lúa quan trọng nhất trong năm của xã, nhưng lượng mưa chưa đủ nước tưới cho bà con làm đất, nên vẫn còn nhiều diện tích chưa được cày bừa. Đến thời điểm này, xã mới thực hiện gieo cấy được trên 30% diện tích lúa và đứng trước nguy cơ mất mùa. Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương chỉ đạo các bộ phận chuyên môn xuống từng bản rà soát các diện tích; Đồng thời tuyên truyền, vận động Nhân dân nạo vét kênh mương, điều tiết nguồn nước tưới, ưu tiên cho các diện tích đang thiếu nước để đảm kế hoạch gieo cấy.

Ông Cứ A Sở - Chủ tịch UBND xã Khun Há, huyện Tam Đường, nói: “Năm nay thời tiết khí hậu hết sức phức tạp, nắng nóng kéo dài dẫn tới không đảm bảo nước cho việc tưới tiêu. Do vậy, chúng tôi mới thực hiện được khoảng 30% diện tích lúa mùa; Các diện tích thiếu nước ở các bản thì chưa được bà con cày ải mặc dù xã cũng đã cử cán bộ chuyên môn xuống cơ sở để tuyên truyền tới bà con tu sửa, nạo vét kênh mương”.

nuoc-cho-san-xuat-lua.png
Thời điểm này, bà con ở xã Sơn Bình (huyện Tam Đường, Lai Châu) đang tập trung gieo cấy lúa vụ mùa, nguồn nước cơ bản đủ tưới tiêu

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tam Đường cho biết, đợt hạn hán vừa qua chắc chắn ảnh hưởng tới 679ha lúa vụ đông xuân của huyện, năng suất sẽ giảm. Tuy nhiên, số liệu cụ thể đang được các xã thống kê.

Giải pháp của huyện là phối hợp Công ty TNHH Một thành viên Quản lý thủy nông Lai Châu làm việc với thủy điện Chu Va 2 và thủy điện Nậm Thi trên địa bàn để ưu tiên nước cho sản xuất. Cơ bản các đơn vị này đã thực hiện đúng cam kết phối hợp giữa các bên. Đặc biệt, thời điểm này thủy điện không tích nước, ưu tiên nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Đối với hơn 2.000ha lúa vụ mùa năm 2023 trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Hồng Sơn đánh giá khả năng không lo thiếu nước canh tác, vì từ tháng 5 đến tháng 9 là mùa mưa, không sợ thiếu nước như đầu vụ đông xuân hàng năm.

Tuy nhiên, để cây lúa vụ mùa sinh trưởng và phát triển tốt trong giai đoạn mới bén rễ, bà con cần lưu ý khâu chăm sóc lúa, dặm tỉa, bón phân kịp thời để lúa đẻ nhánh, tăng cường sức đề kháng phòng các loại sâu bệnh gây hại…

Bài liên quan
  • Các địa phương chủ động ứng phó với hạn hán
    Năm 2023 được dự báo sẽ xác lập nhiều kỷ lục nắng nóng do tác động của hiện tượng El Nino. Năm 2024, tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn khốc liệt. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, các cơ quan quản lý, chuyên gia và người dân cần phải có kế hoạch ứng phó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lai Châu: Hạn kéo dài, ưu tiên nước cho sản xuất lúa một vụ ở vùng cao