Huyện Lạc Dương có tổng diện tích tự nhiên hơn 131 ngàn ha, trong đó, tổng diện tích đất lâm nghiệp hơn 116 ngàn ha, độ che phủ của rừng trên 85%. Trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp của huyện đặc biệt chú trọng đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn động vật hoang dã, đa dạng sinh học. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng phá rừng để lấy đất sản xuất, khai thác lâm sản trái phép, săn bắt, mua bán tiêu thụ thực vật rừng, động vật hoang dã quý hiếm vẫn diễn ra phức tạp.
Anh Điểu Nhật – Nhân viên kiểm lâm Trạm Kiểm lâm xã Lát cho hay: “Hiện nay, tình trạng săn bắt động vật hoang dã còn diễn biến phức tạp, chúng tôi trực tại Trạm Kiểm lâm xã Lát nằm dọc theo tuyến ĐT722 Đông Trường Sơn thường xuyên phát hiện các phương tiện ô tô chở động vật hoang dã đi ngang, nhưng vì không có chức năng bắt dừng xe để kiểm tra nên nhiều vụ việc không kiểm tra và xử lý được. Theo tôi, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa trạm với các lực lượng chức năng quản lý, bảo vệ rừng và các hộ gia đình trên địa bàn, cùng với đó cần có cơ chế cho trạm bắt dừng xe để kiểm tra thì sẽ ngăn chặn kịp thời việc săn bắt, buôn bán tiêu thụ động vật hoang dã. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền người dân không săn bắt, thu mua, cất giữ các loại thú rừng”.
Lãnh đạo huyện Lạc Dương và các lực lượng chức năng trong một đợt đi kiểm tra rừng.
Là địa bàn vùng sâu, vùng xa với phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số và là cửa ngõ của Lâm Đồng đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung, xã Đạ Chais đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn động vật hoang dã, đa dạng sinh học từ việc nâng cao nhận thức cho người dân. Theo Chủ tịch UBND xã Thân Văn Nghiên: “Xã tập trung việc đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, tuyên truyền để duy trì ổn định quần thể các loài động vật hoang dã, duy trì ổn định và phát triển rừng trên địa bàn. Công tác tuyên truyền thường xuyên được thực hiện như khi các tổ giao khoán quản lý, bảo vệ rừng đi tuần tra, tuyên truyền cho người dân trong các buổi họp thôn…”.
Để tăng cường công tác truyền thông về quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn động vật hoang dã và đa dạng sinh học tại địa phương, UBND huyện Lạc Dương và Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà đã ký kết quy chế phối hợp thực hiện truyền thông quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn động vật hoang dã và đa dạng sinh học. Quy chế phối hợp này do Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, Dự án Quản lý, bảo vệ rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) hỗ trợ. Dự án VFBC do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp thực hiện nhằm mục tiêu duy trì và tăng cường chất lượng rừng, bảo vệ và duy trì ổn định các loài động vật hoang dã ở những tỉnh có giá trị bảo tồn. Hiện VFBC đang được triển khai tại 6 tỉnh và 3 Vườn Quốc gia trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó có Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà.
Ký kết quy chế phối hợp thực hiện truyền thông quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn động vật hoang dã và đa dạng sinh học với huyện Lạc Dương, ông Nguyễn Lương Minh – Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà chia sẻ: “Công tác bảo tồn không chỉ là nỗ lực của riêng các Vườn Quốc gia và ngành kiểm lâm mà sự tham gia của cộng đồng, chính quyền và các tổ chức tại địa phương là hết sức cần thiết. Quy chế này là cơ sở quan trọng tạo điều kiện tăng cường sự phối hợp giữa Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà với chính quyền và cộng đồng người dân khu vực xung quanh Vườn Quốc gia, nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng và đa dạng sinh học tại Bidoup – Núi Bà”.
Một trong những mục tiêu của dự án là khuyến khích sáng kiến cộng đồng chung tay bảo vệ động vật hoang dã và tài nguyên thiên nhiên. Trong đó, tiến tới thành lập các nhóm Bảo tồn cộng đồng trên địa bàn huyện Lạc Dương nhằm huy động sự tham gia của cả cộng đồng trong việc nâng cao giá trị quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn động vật hoang dã và đa dạng sinh học. Các nhóm Bảo tồn cộng đồng này được thành lập tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; trong đó, huy động sự tham gia của cộng đồng người dân, chủ lực sẽ là thành viên Ban Lâm nghiệp, tổ quản lý bảo vệ rừng, cùng với lãnh đạo xã, các đoàn thể, người có uy tín trong các buôn làng. Qua đó, góp phần chuyển đổi nhận thức cộng đồng về quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn động vật hoang dã và đa dạng sinh học.
Phạm Anh