Dự án đã sửa chữa 4 hồ chứa, 1 trạm bơm công nghệ cao áp dụng tưới tiết kiệm, kiên cố hóa 44 km kênh mương và 40km đường giao thông nông thôn cấp B góp phần tưới tiêu ổn định cho khoảng 6.200 hecta và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển và giao thương nông sản.
Dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thông các tỉnh Tây Nguyên triển khai tại tỉnh Lâm Đồng được đầu tư 4 tiểu dự án tại các huyện: Đạ Tẻh, Di Linh, Đơn Dương, Lâm Hà với tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng. Thực tiễn triển khai dự án cho thấy: Các công trình do dự án xây dựng đã được đầu tư triển khai bài bản, kỹ lương với sự tham gia từ đầu của người dân vùng hưởng lợi.
Ứng dụng công nghệ tưới nước tự động cho rau màu đạt hiệu quả cao
Mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân trong khu vực và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bằng cách phát huy hiệu quả việc đầu tư các kết cấu hạ tầng nông thôn (thủy lợi, giao thông, nước sạch nông thôn…); tiếp cận, áp dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; phục hồi và giảm thiểu việc mất đất canh tác; nâng cao trình độ thâm canh và đa dạng hóa sản phẩm trong nông nghiệp, đem lại các cơ hội việc làm ổn định cho người dân; giảm bớt chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển và tăng cường trao đổi, buôn bán các hàng hóa nông sản, góp phần giảm nghèo bền vững…
Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, nhằm tạo điều kiện cho việc ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh, cần rà soát quy hoạch thủy lợi, có các giải pháp bảo vệ nguồn nước sạch, nước ngầm, đồng thời nghiên cứu các giải pháp đồng bộ để tạo nguồn nước.
Đặc biệt, huy động nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới, ưu tiên phát triển ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm trong canh tác cây trồng tại các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả và giá trị sản xuất.
Đơn giản hóa các thủ tục vay vốn, ưu đãi vốn đầu tư, thuế cùng với việc tăng cường hướng dẫn kỹ thuật tưới và quy trình lắp đặt, vận hành tưới. Hướng dẫn việc lựa chọn thiết bị tưới phù hợp, đảm bảo lượng nước phù hợp với nhu cầu của cây trồng, có độ đồng đều cao và hiệu quả.
Đặc biệt, tổ chức tham quan, học tập nhân rộng các mô hình sẵn có về tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, tập huấn cách sử dụng hiệu quả và phát huy tối đa công suất của hệ thống tưới, cách sử dụng phân bón hòa tan nhằm tưới qua hệ thống phun, nhỏ giọt để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây trồng tùy vào thời kỳ phát triển của cây, đồng thời xử lý các vấn đề trong quá trình vận hành, bảo trì hệ thống.
Đồng thời thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp bền vững, thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Minh Châu