Sáng nay (16/3), tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Lễ khai mạc Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia, sự kiện quan trọng tầm quốc gia lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam.
Việt Nam nằm trong top 16 quốc gia sở hữu đa dạng sinh học cao nhất thế giới
Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu đa dạng sinh học cao nhất thế giới, là nơi sinh sống của nhiều loài biểu tượng của thế giới.
Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam là một trong những vùng đất ngập nước lớn nhất thuộc lưu vực sông Mekong, là ngôi nhà của nhiều loài động vật nguy cấp, bao gồm động vật có vú, động vật lưỡng cư, các loài cá…
Trong khi đó dãy núi cao Trường Sơn là nơi trú ẩn của một số loài động vật đặc hữu, bí ẩn; nhiều loài đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên hành tinh, bao gồm sao la, cầy hương, thỏ vằn, trĩ sao.
Tỉnh Quảng Nam, với địa bàn rộng, vị trí địa lý đặc biệt tạo nên sự đa dạng về sinh cảnh, là một trong các tỉnh, thành phố trong cả nước được xếp vào địa phương có tính đa dạng sinh học cao, nằm trong vùng cảnh quan ưu tiên của Trung Trường Sơn và là một trong 200 "điểm nóng" về đa dạng sinh học của thế giới.
Quảng Nam là khu vực có nhiều hệ sinh thái rừng và biển rất đặc trưng, mang lại nhiều giá trị cảnh quan và kinh tế; là nơi phân bố của các loài quý hiếm, đặc hữu như sao la, hổ và voi châu Á, voọc chà vá chân xám, khướu Ngọc Linh, mang Trường Sơn, sâm Ngọc Linh, san hô, cỏ biển…
Hiện tỉnh Quảng Nam có 7 khu bảo tồn thiên nhiên đã được thành lập, bao gồm một phần Vườn quốc gia Bạch Mã, Vườn quốc gia Sông Thanh, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao La, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi, Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh, Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hoá Mỹ Sơn, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 1 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học là Công viên Chăm sóc và Bảo tồn động vật Vinpearl River Safari Nam Hội An.
Quảng Nam có Bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên cả nước
Trong thời gian qua, Quảng Nam là một trong những tỉnh tiên phong trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, là một trong các tỉnh sớm ban hành Chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng phía tây (năm 2005); phê duyệt kế hoạch hành động đa dạng sinh học đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.
Đặc biệt, tỉnh đã tranh thủ được nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế , xúc tiến thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi tại huyện Nông Sơn (2018); Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh (2019) và thiết lập hành lang đa dạng sinh học tỉnh (2019).
Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về lĩnh vực đa dạng sinh học được triển khai, cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng cho việc xác định và thành lập các khu bảo tồn trên địa bàn tỉnh.
Bảo tàng đa dạng sinh học Quảng Nam là bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên của cả nước được xây dựng; thu thập hơn 3.700 ảnh và hơn 2.000 tiêu bản về các hệ sinh thái và các loài động thực vật trên địa bàn tỉnh.
Đánh giá về nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học của Quảng Nam, Đại diện Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) bày tỏ ấn tượng và chúc mừng những kết quả Quảng Nam đã đạt được trong nỗ lực bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Cụ thể, tỉnh đã tăng nhanh chóng độ che phủ rừng, tái phát biện loài sao la bằng bẫy ảnh WWF vào năm 2013 (thông tin làm chấn động thế giới vì tưởng rằng loài này đã tuyệt chủng).
WWF cũng ghi nhận sự xuất hiện trở lại nhiều hơn các loài được xem như đã biến mất như mang lớn, mang Trường Sơn, rùa Trung bộ; sự phục hồi đàn voọc chà vá chân xám với quần thể rất lớn có sự đóng góp của cộng đồng địa phương xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành.
Đa dạng sinh học đang suy giảm đáng báo động
Đa dạng là thế nhưng nhưng tài nguyên đa dạng sinh học của Việt Nam đang trên đà suy giảm một cách đáng báo động. Các hệ sinh thái tự nhiên đang phải đối mặt với những mối đe doạ ngày càng gia tăng do tốc độ đô thị hoá và phát triển cơ sở hạ tầng cùng với việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên bất hợp pháp.
Để đảo ngược sự mất mát của đa dạng sinh học, vai trò của chính quyền, cộng đồng, các tổ chức, cá nhân là vô cùng quan trọng. Những nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học tuy thầm lặng nhưng kiên trì, bền bỉ, dù khó khăn, vất vả để gìn giữ các giá trị vô cùng đặc biệt của đa dạng sinh học cho thế hệ mai sau.
Chính vì lẽ đó, Quảng Nam được chọn là địa phương tiên phong khởi động Năm khôi phục đa dạng sinh học quốc gia 2024 trong bối cảnh Việt Nam đang trong giai đoạn tích cực triển khai các cam kết quốc tế quan trọng như các mục tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu (GBF) tại COP15 năm 2022 và cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" tại COP26.
Sự kiện cũng là dịp để tôn vinh sự đa dạng của cuộc sống trên hành tinh, tăng cường hợp tác để bảo vệ môi trường sống, đảm bảo sự phát triển hài hoà giữa con người với thiên nhiên, bảo tồn nguồn tài nguyên sinh học vô giá của Việt Nam và nhân loại.
Trong khuôn khổ Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia, Quảng Nam sẽ tổ chức nhiều chuỗi sự kiện quan trọng như: Các diễn đàn, hội nghị, hội thảo khoa học về đa dạng sinh học từ tháng 3 đến tháng 11/2024; các hoạt động nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học; tổ chức các đoàn cho báo chí đi khảo sát và quảng bá đa dạng sinh học; tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên đến bảo vệ đa dạng sinh học…
Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường chọn Quảng Nam để khởi động Năm khôi phục đa dạng sinh học quốc gia bởi nơi đây được thiên nhiên ban tặng điều mà không nhiều địa phương khác có được, đó là đa dạng sinh học.
Phó Thủ tướng cho rằng đây là tiềm năng để Quảng Nam phát triển du lịch, đồng thời xây dựng hình ảnh của mình là một địa phương phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được đa dạng sinh học - tài sản quý giá của quốc gia và phát triển bền vững, thân thiện với môi trường theo xu thế chung của thế giới.
Trong Quy hoạch của tỉnh Quảng Nam được công bố sáng cùng ngày, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học có một vị trí xứng đáng, được tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm sự hài hoà giữa ba trụ cột kinh tế-xã hội-môi trường nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững của địa phương và đóng góp cho tiến trình phát triển chung của quốc gia.