Làng hoa giấy Thanh Tiên tất bật những ngày cuối năm

An Nhiên|23/01/2020 10:40
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tết Nguyên Đán đang đến gần, các nghệ nhân và người thợ tại làng hoa giấy Thanh Tiên (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) những ngày này đang tất bật chuẩn bị đón khách thập phương đến chơi Tết, du xuân.

Chạy men theo con đường làng, bên kia là những cánh đồng lúa thẳng tắp, chúng tôi dừng chân tại làng hoa giấy Thanh Tiên, được biết đây là ngôi làng có lịch sử hình thành từ hơn 300 năm lưu giữ và phát triển. Làng hoa giấy Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, Huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng nằm dọc bờ nam hạ lưu sông Hương, cách Thành phố Huế 7km. Tuy nhiên, với thời tiết khắc nghiệt ở Huế nên người dân nơi đây luôn lo lắng cho nghề mưu sinh của mình, chính vì vậy Tổ nghề làm Hoa giấy Thanh Tiên ra đời từ đó.

Giữ nguyên một làng nghề truyền thống

Nghề làm hoa giấy Thanh Tiên còn xuất phát từ tín ngưỡng dân gian. Tục xưa, hoa giấy được trang trọng tôn trí ở những nơi như: Trang Ông, Trang Bà, Am cảnh và Ông táo. Hàng năm thay thế một lần vào Tết nguyên Đán, hoa mới được thay thế, hoa cũ hạ xuống “Duống” và đốt đi gọi là “Tẩu”. Cứ như thế, hoa giấy Thanh Tiên từ bao đời nay đã trở thành một nét văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế và đã lan tỏa ra các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Đà Nẵng cũng như những nơi có người Huế cư ngụ mỗi khi Tết đến, xuân về.

Hoa ở đây có hai loại chính, đó là hoa Thờ Cúng với đầy đủ màu sắc và hoa Sen giấy có màu tím Huế thơ mộng, có mặt khắp các vùng miền như Quảng Trị đến Đà Nẵng. Hoa giấy ở đây được người dân chuộng dùng để thờ cúng, củng như được trang trí ở các miếu, am, bàn thờ ông địa, táo quân và thần bếp và chùa chiền.

Đối với người dân Làng Thanh Tiên, những nguyên liệu sẵn có như cây lùng, cây tre cộng với sức sáng tạo phong phú đã tạo lên những Bông Lùng, Hoa Tre hay còn gọi là Hoa Đũa và nhuộm màu ngũ sắc. Bông Lùng, Hoa Tre cũng chỉ dùng cho việc thờ cúng, dần dà phát triển nghề làm hoa giấy.

Để làm ra một cành hoa giấy đẹp, người làm phải có nhiều kinh nghiệm và sự tỉ mỉ, bởi có rất nhiều công đoạn khác nhau từ vót tre, cắt cánh, tạo nếp nhăn trên hoa… đều cần qua tay của người thợ lành nghề.

Hoa Sen Giấy Thanh Tiên

Từ tháng 10, dân làng Thanh Tiên đã bắt đầu phơi tre. Đến tháng 11, 12 họ bắt đầu đục giấy màu lấy hoa, cắt giấy thiếc bạc làm nhụy đến tạo hình dáng, lấy tre làm cuống, cành rồi ghép thành cây.

Những bông hoa được ghép cân đối và có khoảng 5 màu: Vàng, đỏ, lục, hồng, xanh ở các cây. Làm hoa cầu kỳ, nhiều công đoạn, tốn thời gian là vậy nhưng giá bán lại khá thấp, chỉ khoảng 10.000 đồng/cặp.

Có được cái tên làng Hoa giấy Thanh Tiên ngày nay chính là sự sáng tạo của nhiều người dân trong làng qua bao đời làm hoa giấy. Với óc tưởng tượng phong phú và bàn tay khéo, nghệ thuật, họ đã mô phỏng các loại hoa có ở tự nhiên như: Hoa Bìm Bìm (Loa kèn), Hoa cúc đơn, Hoa cúc kép, Hóa mắm nêm, Hoa tường vi, Hoa quỳ và sau đó là Hoa sen.

Nhà nhà trong làng làm hoa giấy bán Tết

Nhằm kịp đáp ứng cho nhu cầu thị trường hoa Tết, những nghệ nhân nơi đây đang say sưa cần mẫn chuẩn bị kỹ lưỡng các công đoạn. Hiện ở làng có khoảng 20 nhà đang theo nghề hoa giấy và 3 nhà làm hoa sen giấy.

Để làm được một cánh hoa thì đòi hỏi các nghệ nhân phải có đôi bàn tay khéo léo và tỉ mỉ, các công đoạn để làm được một cánh hoa gồm có: tre (phải là tre lồ ô mới có độ dẻo dai) được vót nhỏ và phơi khô; giấy được nhuộm màu; hoa và nhụy được cắt tỉa một cách tỉ mỉ để khi lấy hồ dán sẽ tạo được một cành hoa hài hòa về màu sắc lẫn bố cục.

Một người làm hoa giấy thành thạo có thể làm được 15 đến 20 bông mỗi ngày. Anh Nguyễn Hiếu (cơ sở bác Nguyễn Hòa, Trưởng thôn Thanh Tiên) có 15 năm làm nghề chia sẻ: “Chúng tôi phải chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu từ tháng 6-7 âm lịch, mới kịp cho ra thị trường khoảng 1.500 hoa vào dịp Tết. Hoa ở đây có hai loại chủ yếu là hoa thờ cúng chỉ cung cấp cho thị trường vào dịp Tết, còn hoa sen giấy thì cung cấp ra thị trường quanh năm”.

Cơ sở của bà Phan Thị Thanh (58 tuổi). Bà Thanh cho biết gia đình bà đã theo nghề này từ đời ông cố truyền lại đến bây giờ. Cơ sở của bà chủ yếu làm hoa sen giấy vào dịp Tết. Bà cho biết có rất nhiều khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm làm hoa cùng bà tại nhà những ngày cuối năm.

Hiện nay hoa thờ cúng được bán với giá là 7.000 đồng/1 cặp hoa, còn đối với hoa sen giấy thì có giá là 15.000 đồng đến 18.000 đồng/1 bông hoa sen. Hoa cúng được tiểu thương đến tại làng thu mua rồi đem bán khắp các chợ, còn hoa sen giấy thì được khách du lịch và các nhà sách mua.

Có 2 loại hoa là hoa thờ cúng và hoa sen giấy

Hoa giấy Thanh Tiên hiện nay không chỉ nổi tiếng đặc thù cho văn hóa cố đô Huế, mà còn theo chân những du khách đến các vùng miền khác như Hà Nội, Hội An hay đưa ra cả nước ngoài như Thái Lan, Hàn Quốc…

Đang thoăn thoắt tạo ra những hoa giấy, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (59 tuổi) cho biết, gia đình bà làm hoa giấy hàng chục năm qua. Năm nay, gia đình bà làm khoảng 10 ngàn bông hoa giấy phục vụ Tết.

“So với năm ngoái thì năm nay, gia đình tôi có tăng thêm 2 ngàn hoa giấy. Nếu chuẩn bị sẵn nguyên liệu, tôi có thể làm ra được 300 cây hoa giấy. Nếu không làm họ hỏi mua không có mà bán thì lại thấy tiếc, nên cố gắng để làm mãi như vậy”, bà Tâm chia sẻ.

Trung bình, mỗi gia đình làm trên 5.000 – 10.000 cặp hoa thờ cúng để cung cấp ra thị trường dịp Tết. Tính bình quân dịp Tết này, làng hoa giấy Thanh Tiên sản xuất hàng chục nghìn cặp hoa.

Ông Nguyễn Hóa (59 tuổi, trưởng thôn Thanh Tiên) cho biết, vào khoảng những năm 1975, làng có 50 hộ thì hơn 50% làm nghề hoa giấy. Năm 1995, có đến hơn 40 hộ làm hoa giấy nhưng ngày nay do thu nhập thấp nên cả làng chỉ còn khoảng 20 hộ làm nghề.

Những năm 2000, nghề hoa giấy có nguy cơ biến mất do sự “xâm nhập” mạnh mẽ của hoa nhựa, hoa giả, lúc đó khách hàng thấy hoa đó mới, lạ nên đổ xô mua dùng, hoa giấy trở nên ế ẩm.

Tuy nhiên, từ năm 2000, tỉnh Thừa Thiên Huế có tổ chức Festival Huế và Festival nghề truyền thống Huế nhằm quảng bá, tôn vinh các sản phầm nghề truyền thống trong đó có sản phẩm hoa giấy ở Thanh Tiên nên hoa giấy bắt đầu được mọi người chú ý. Du khách đến với Huế tò mò và tìm về để tìm hiểu về nghề làm hoa giấy ở Thanh Tiên. Nghề làm hoa giấy từng bước được vực dậy.

“Hàng năm, hoa giấy được đem đi trưng bày ở các lễ hội như Festival Huế, Festival nghề truyền thống Huế, Lễ hội sóng nước Tam Giang… nên sản phẩm được nhiều người biết đến hơn”, ông Hóa chia sẻ.

Đáng chú ý, từ năm 2008, làng có thêm sản phẩm hoa sen giấy nên thu hút được khách hàng. Ngoài để thờ cúng, những nghệ nhân còn ghép hoa sen giấy thành bình hoa đất, có lắp thêm đèn điện để trang trí phòng khách hay làm điểm nhấn cho nội thất căn phòng.

Ngày nay, các thế hệ trẻ kế cận ở làng hoa giấy Thanh Tiên cũng có ý thức giữ và tiếp nối nghề làm hoa giấy truyền thống của tổ tiên.

An Nhiên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng hoa giấy Thanh Tiên tất bật những ngày cuối năm