Làng sinh thái: Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

(Theo T/C Môi trường và Cuộc sống)|28/03/2016 04:15
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

làng sinh thái

Theo Viện Kinh tế sinh thái (Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), thì tiêu chí xây dựng Làng sinh thái cần phải xây dựng dựa trên các nội dung cơ bản là bảo vệ môi trường sinh thái, tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch: Tạo môi trường sinh thái có lợi cho con người; bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học; vệ sinh môi trường, đảm bảo cảnh quan xanh – sạch. Bên cạnh đó, cũng phải bảo đảm sự phát triển bền vững cho các vùng nông thôn, vùng cao, vùng xa ở Việt Nam, góp phần giải quyết những yêu cầu của cuộc sống đặt ra, thực hiện chủ trương của Nhà nước về xóa đói giảm nghèo, giảm bớt sự chênh lệnh giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn.

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, xây dựng thành công mô hình Làng sinh thái ở các vùng sinh thái nhạy cảm, kém bền vững sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân. Từ việc nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và làm giàu cho xã hội, tạo dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc trên cơ sở phát triển bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học có hiệu quả, đến việc phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, đồng thời cũng bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.

Langsinhthai

Theo đó, những vùng sinh thái có đặc thù kém bền vững thường được lựa chọn để xây dựng mô hình hệ kinh tế sinh thái nhằm giúp đỡ nhân dân thông qua kỹ thuật nông nghiệp để ổn định cân bằng sinh thái, chuyển đổi cơ cấu để thúc đẩy sản xuất phát triển. Cùng với đó, sinh thái nhân văn cũng được chú trọng, giúp cải thiện toàn diện cuộc sống của người dân. Hiện nay, các Làng sinh thái đã được lựa chọn thử nghiệm là vùng đồng bằng ngập nước, vùng cát hoang hóa ven biển và vùng đồi núi trơ trọc. Theo thống kê, từ năm 1990 cho đến nay, Việt Nam đã ghi nhận được 16 Làng sinh thái tại 3 hệ sinh thái nhạy cảm là đồi trọc, cồn cát và vùng đất ngập nước thuộc các tỉnh, thành tại miền Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam. Trong đó, ba mô hình thành công tiêu biểu ở cả 3 Làng sinh thái kể trên là tại xã Phú Điền (Nam Sách, Hải Dương); xã Hải Thủy (Lệ Thủy,  Quảng Bình) và thôn Sổ, xã Hợp Nhất (Ba Vì, Hà Nội).

Các Làng sinh thái đều mang những nét đặc trưng riêng về đặc điểm tự nhiên, nguồn tài nguyên thiên nhiên và kinh tế – văn hóa – xã hội của các vùng nông thôn ở Việt Nam, bao gồm cả miền núi và đồng bằng. Vì vậy, để kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái cũng như quảng bá những nét văn hóa truyền thống của địa phương thì con đường duy nhất là phải chọn sự phát triển theo nguyên tắc bền vững. Trước hết, phải có ý thức sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, mà quan trọng nhất là phát triển nông – lâm – nghiệp gắn với điều kiện văn hóa truyền thống và kiến thức bản địa của từng vùng, nhằm nâng cao đời sống của người dân. Đây chính là đặc điểm khiến Làng sinh thái có thể nhân rộng cho nhiều vùng trong cả nước.

(Theo T/C Môi trường và Cuộc sống)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Làng sinh thái: Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.