Làng tái chế, cơ sở tái chế gây ô nhiễm môi trường – Bài 1: Sống chung với rác

Giang Anh|09/06/2022 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tái chế chất thải vốn là giải pháp được Chính phủ và các địa phương khuyến khích nhằm góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, hoạt động tái chế ở các làng tái chế, cơ sở tái chế đang để lại nhiều tác động tiêu cực đến môi trường và cuộc sống người dân.

Thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội trước đây có nghề làm hương đen nổi tiếng khắp các vùng lân cận. Do công việc làm hương cho thu nhập không ổn định, nhiều hộ dân trong thôn đã chuyển qua thu gom, buôn bán phế liệu từ nhiều năm nay.

Có khoảng gần 200 hộ dân ở thôn Xà Cầu lấy nghề thu gom, sơ chế rác thải làm nguồn thu nhập chính cho cả gia đình. Họ thu mua về đủ loại phế thải từ chai nhựa, tivi, tủ lạnh, các loại lon nước… chất thành từng đống cao ngất ngưởng ven đường.

Sau nhiều năm hoạt động, thôn Xà Cầu lại được biết đến với cái tên mới “làng thu gom và sơ chế rác thải”. Song song với sự phát triển kinh tế là vấn nạn ô nhiễm môi trường đe dọa tới cuộc sống của người dân nơi đây.

Với đồ phế thải bằng nhựa, người ở thôn Xà Cầu không bỏ đi bất cứ thứ gì. Từ vỏ ô tô, xe máy, can, thùng, chậu, vỏ chai, ống nước, tấm lợp, đến nắp nhựa bé tí xíu đều được gom về… sau đó phân loại rồi tái chế.

Người dân đem đốt bỏ những thứ không thể tái chế được nữa, bầu không khí trong làng bị ảnh hưởng lớn từ mùi khét của nhựa. Ngoài ra, người dân trong làng còn bị tiếng ồn của những chiếc máy nghiền nhựa “tra tấn” suốt ngày.

Hàng nghìn tấn rác thải bủa vây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và môi trường sống xung quanh thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu.

Chị Lý Thế Hạnh làm nghề tái chế rác đã gần 10 năm cho biết: “Mỗi ngày tôi thu nhập được khoảng hơn 200.000 đồng. Ruộng đồng do ô nhiễm nguồn nước, chuột bọ phá phách, không cấy lúa. Thu nhập tuy thấp, nhưng không có nghề nào khác để làm, nên đành phải chấp nhận làm nghề này. Do hàng ngày vẫn phải tiếp xúc với rác thải, nhiều thứ hóa chất còn đọng lại, làng này mắc bệnh ung thư nhiều”.

Ông Trang Văn Viễn, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết, hiện tại, thôn Xà Cầu có khoảng 200 hộ làm nghề tái chế phế liệu. Khảo sát thực tế cho thấy, rác thải, phế liệu được bà con thu mua ở khắp nơi mang về tái chế. Phần không sử dụng được, người dân vứt bỏ bừa bãi khắp ngôi làng, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường. Trước đây, Công ty Cổ phần đô thị Bắc Sơn có hợp đồng với UBND xã chuyên thu gom xử lý nay đã dừng việc thu gom rác thải từ 1/4/2022, khiến cho lượng rác thải nhựa không thể tái chế tồn đọng đến khoảng 150 tấn.

Cơ sở tái chế rác thải nằm ở khu vực gần cầu Bà Tri, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh gây ô nhiễm nghiêm trọng suốt gần 7 năm qua.

Chị Hương một người dân ở xã Vĩnh Lộc B, cho biết, cơ sở tái chế rác thải này hoạt động từ khoảng năm 2015. Cũng bắt đầu từ đó cuộc sống của người dân xung quanh đây bị đảo lộn vì bị tra tấn bởi ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo đó, mỗi ngày có hàng chục tấn rác thải dân sinh được thu gom từ các nơi chở đến đây chất cao như núi để tái chế thu hạt nhựa.

Rác thải sinh hoạt trộn lẫn nhiều bao bịch ni lông sau đó được các công nhân cho vào dây chuyền phân loại, rửa sạch rồi cho vào máy “ó keo” để thu hồi hạt nhựa. Phần rác thải còn lại không thể tái chế được cơ sở này đổ thẳng xuống khu đất phía sau xưởng. Lâu ngày, lượng rác thải không còn khả năng tái chế ngày tạo thành một “bãi rác” lộ thiên khổng lồ rộng cả nghìn mét vuông.

Đáng chú ý, trước đó cơ sở này tập kết rác thải đổ vào một bãi khác phía trong xưởng này cũng rộng lên đến cả ngàn mét vuông. Sau khi bãi phía trong chứa đầy rác thải không thể đổ thêm thì cơ sở này mới chuyển sang đổ ở bãi phía ngoài.

Lo sợ hơn, cơ sở này bơm một lượng lớn nước mặt để dùng tẩy rửa rác nhưng không có hệ thống xử lý nước thải. Dòng nước đen ngòm, hôi thối từ khu xử lý tái chế rác được xả ra môi trường phía sau khu nhà xưởng để tự thấm xuống đất gây ô nhiễm trầm trọng.

Trên địa bàn xã Định Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, một xưởng tái chế rác thải công nghiệp hoạt động không phép trong thời gian dài nhưng không bị xử lý. Hàng ngày, xe ôtô chở rác ra vào tấp nập chở theo rác thải công nghiệp như giấy, vải vụn, xốp, nilon… Trong xưởng, rác thải công nghiệp chất thành đống trải dài hàng trăm mét.

Ông Định người dân xã Định Sơn cho biết: “Xưởng tái chế rác thải công nghiệp này có chủ là người Trung Quốc, họ thuê lại địa điểm của một công ty khác để làm hạt nhựa. Tất cả rác thải được nhập từ Trung Quốc về bằng đường biển, sau khi được tái chế và đưa đi tiêu thụ ở nhiều nơi.

Hàng nghìn tấn rác thải công nghiệp như giấy, vải vụn, xốp, nilon được tập kết tại xưởng tái chế thuộc địa bàn xã Định Sơn, huyện Cẩm Giàng.

Mặc dù xưởng tái chế rác thải này hoạt động rầm rộ trong thời gian dài nhưng chưa thấy cơ quan chức năng kiểm tra xử lý. Xưởng này tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Chúng tôi vô cùng bức xúc trước tình trạng trên, đề nghị lực lượng chức năng, chính quyền các cấp sớm vào cuộc giải quyết giúp người dân”.

xưởng tái chế rác thải công nghiệp nằm trong quỹ đất của một công ty rộng hàng nghìn m2 không có hệ thống phòng cháy chữa cháy. Trong xưởng, rác thải như bìa, giấy, nilon, vải vụn… chất thành đống lên tận nóc, trải dài hàng trăm mét. Hơn chục công nhân chia thành từng nhóm làm các phần việc đã được định sẵn trong cái nóng nực, oi bức của những ngày đầu hè. Để đi lại, công nhân phải lách từng bước chân giữa đống rác thải nằm san sát.

Hàng ngày, rác thải được xe ôtô loại xe thùng phủ bạt kín chở về sau đó phân loại rồi tái chế chở đi các nơi tiêu thụ. Ngay cạnh xưởng là một cánh đồng canh tác của người dân. Nước thải, nước rỉ rác hàng ngày được xả trực tiếp xuống con mương nội đồng của bà con gây ô nhiễm môi trường.

Giang Anh

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng tái chế, cơ sở tái chế gây ô nhiễm môi trường – Bài 1: Sống chung với rác