Số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm nay tăng hơn 28.000 người so với mục tiêu người đặt ra. Trước đó, năm 2018 cũng ghi nhận số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài rất cao, hơn 142.000 người. Như vậy, đây cũng là năm thứ 5 số lượng lao động trong nước đi làm việc ở nước ngoài liên tục vượt mốc 115.000 người kể từ năm 2015.
Ảnh minh họa
Nhật Bản tiếp tục giữ vị trí thị trường lao động thu hút nhiều lao động Việt Nam nhiều nhất trong năm qua. Tiếp đó là các thị trường Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Thời gian qua, ngành lao động rất nỗ lực duy trì và phát triển thị trường lao động ngoài nước. Nhiều thị trường mới, tiềm năng ở khu vực châu Âu đã được mở. Bản ghi nhớ về phái cử lao động kỹ năng đặc định sang Nhật Bản cũng được ký kết nhằm tăng cường bảo hộ, tạo thuận lợi cho việc phái cử, tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật của hai nước. Các chính sách hỗ trợ nhóm đối tượng này cũng được triển khai. Việc tuyển dụng, đào tạo, tạo nguồn lao động từ khu vực Tây Nam Bộ cũng được quan tâm hơn.
Chất lượng các chương trình đưa lao động đi làm việc theo hợp đồng cũng có chuyển biến rõ rệt, thu hút nhiều lao động có kỹ năng cao. Số lượng lao động đi làm việc tại các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… liên tục tăng. Người lao động rất quan tâm đến nhiều chương trình di cư lao động như: cấp phép cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (chương trình EPS), thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (Chương trình IM Japan); đưa ứng viên điều dưỡng hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản; đưa điều dưỡng Việt Nam sang làm việc tại Đức…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, vẫn còn những tồn tại như tình trạng lao động làm việc ở nước ngoài bỏ hợp đồng, trốn ở lại, gây ảnh hưởng đến hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cơ quan chức năng cũng vào cuộc quyết liệt để giải quyết tình trạng này. Việc ký lại Bản ghi nhớ với Hàn Quốc, thực hiện tổng thể các giải pháp nhằm tuyên truyền vận động và quản lý tốt hơn số lao động bất hợp pháp người Việt Nam tại Hàn Quốc. Nhờ đó, tỷ lệ lao động trong chương trình EPS bỏ trốn ở lại cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc giảm mạnh, còn 26% trên toàn quốc.
Song song với đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Theo đó, các chương trình tuyển chọn, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải triển khai đồng bộ và làm tốt công tác đào tạo ý thức tuân thủ pháp luật cho người lao động. Công tác tuyển chọn ban đầu phải thật chặt chẽ, dứt khoát không chọn từ những địa bàn có nhiều lao động bỏ trốn; ưu tiên thị trường bền vững và tiềm năng như địa bàn Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long.
Trong năm tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổng kết chiến lược xuất khẩu lao động. Đồng thời, dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) cũng được trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội. Hiện nay, dự thảo Luật sửa đổi lần I đã được đăng tải rộng rãi trên mạng để các chuyên gia, doanh nghiệp cũng như người dân quan tâm cho ý kiến tới hết tháng 2/2020.
Minh Anh (t/h)