Lắp đặt hơn 900 thiết bị cảnh báo mưa lũ hướng tới mục tiêu cảnh báo tới tận thôn, bản
Với mục tiêu kết nối và chia sẻ thông tin kịp thời, đưa cảnh báo tới tận thôn, bản, tới từng hộ gia đình, Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai đã hỗ trợ lắp đặt được hơn 900 thiết bị cảnh báo mưa lũ tại 49 tỉnh thành trên cả nước với tổng kinh phí gần 37,5 tỷ đồng.
Trong 9 năm qua, Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai (QPT) đã vận động tài trợ, đảm bảo kinh phí lắp đặt 903 trạm đo mưa tự động và 24 tháp cảnh báo lũ tự động chuyên dùng cảnh báo mưa lũ ở cộng đồng tại 49 tỉnh/thành phố trên cả nước.
Đến nay, số lượng trạm đo mưa tự động do QPT hỗ trợ lắp đặt chiếm gần 50% số lượng trạm đo mưa chuyên dùng phòng chống thiên tai trong cả nước.

Với gần 37,5 tỷ đồng được tài trợ từ các nhà hảo tâm, từ năm 2016 đến nay, QPT đã lắp đặt 361 trạm đo mưa ở 18 tỉnh miền Bắc; 309 trạm đo mưa và 24 tháp cảnh báo lũ trên 14 tỉnh miền Trung; 138 trạm ở 12 tỉnh miền Nam và 95 trạm ở 5 tỉnh Tây Nguyên.
Hiện tất cả các trạm đo mưa và tháp cảnh báo lũ tự động do QPT hỗ trợ lắp đặt tại các địa phương từ năm 2016 đến nay đều hoạt động ổn định, liên tục, phục vụ hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo mưa lũ ở các địa phương cũng như kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ chỉ đạo phòng chống lũ lụt cuả Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Cục Khí tượng Thủy văn.
Các trạm đo mưa tự động chuyên dùng cảnh báo mưa lũ do QPT hỗ trợ lắp đặt tại các địa phương trong những năm qua đã phát huy hiệu quả to lớn góp phần cùng với chính quyền, người dân trong nỗ lực giảm nhẹ các thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Đặc biệt, dự án đã khơi dậy và kích thích các địa phương quan tâm đầu tư. Trong 49 tỉnh thành được hỗ trợ lắp đặt trạm đo mưa, tháp cảnh báo lũ tự động từ QPT trong những năm qua, đến nay đã có 36 địa phương chủ động đầu tư bổ sung trên 673 trạm đo mưa, 19 tháp cảnh báo lũ tự động từ nguồn ngân sách địa phương sau khi nhận thấy hiệu quả của các thiết bị do QPT tài trợ lắp đặt.

Phát biểu kết luận “Giải pháp, công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại cộng đồng” ngày 24/5, TS. Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT và Chủ tịch QPT nhấn mạnh rằng, lũ quét và sạt lở đất tiếp tục gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đối với người dân.
Do đó, việc xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm là hết sức cần thiết để phòng ngừa hiệu quả các thảm họa này. Ông Cao Đức Phát kêu gọi đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ cũng như phát huy nhiều sáng kiến thiết thực, có tính khả thi cao từ giới khoa học và chính quyền địa phương.
“Một hướng đi rất quan trọng được đề cập là xây dựng hệ thống điện tử tích hợp, kết nối và chia sẻ thông tin kịp thời, đưa cảnh báo tới tận thôn, bản, tới từng hộ gia đình. Đây là điều mà nhiều địa phương đang trăn trở và nỗ lực thực hiện”, ông Phát gọi đây là hệ thống cảnh báo “đa thiên tai”, đáp ứng được nhiều loại hình rủi ro thiên nhiên khác nhau.
Tuy nhiên, để hệ thống cảnh báo thực sự phát huy hiệu quả, việc tổ chức và vận hành hệ thống truyền tải thông tin đến người dân là yếu tố then chốt. Ông Cao Đức Phát nhấn mạnh sự cần thiết tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định dài hạn, đặc biệt là các quy chuẩn, quy chế xây dựng công trình, cũng như cơ chế khuyến khích để lực lượng xung kích hoạt động hiệu quả.
Đáng chú ý, một số cảnh báo cần được quy định dưới hình thức pháp lý, nhằm đảm bảo tính ràng buộc và hiệu lực thi hành. Nếu chỉ dừng lại ở những khuyến nghị, không có tính pháp lý rõ ràng thì sẽ rất khó để triển khai trên diện rộng, đặc biệt trong những tình huống đòi hỏi hành động quyết liệt như di dời hàng nghìn hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Theo TS. Cao Đức Phát, thông tin, dữ liệu cần được chuyển hóa thành hành động cụ thể tại cộng đồng. Trong đó, việc củng cố lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở được đánh giá là một hướng đi phù hợp và hiệu quả.