Lấy ý kiến các nhà khoa học cho dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Cần nghiên cứu, rà soát kỹ, tránh chồng chéo, trùng lặp

Mai Hạ|27/09/2023 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo các nhà khoa học, tài nguyên nước là lĩnh vực rất rộng và hiện đang được quy định trong nhiều luật... Vì thế, cần nghiên cứu, rà soát kỹ, tránh chồng chéo, trùng lặp trong các quy định của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Ngày 27/9, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức hội thảo "Góp ý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)".

27-htnc.jpg
Hội thảo "Góp ý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)" do VUSTA phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức

Phát biểu tại Hội thảo, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, thời gian qua, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương lớn liên quan đến quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước. Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách, chương trình hành động nhằm tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm và bền vững tài nguyên nước.

Hội thảo lần này được tổ chức nhằm lấy ý kiến góp ý của các nhà khoa học cho các quy định của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước ở Trung ương và địa phương, khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.

Theo ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT), dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có các điểm mới như: Bổ sung các quy định nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước; sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo vệ tài nguyên nước; sửa đổi, bổ sung các quy định về khai thác, sử dụng nước; bổ sung các quy định nhằm đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực tài nguyên nước; bổ sung các quy định nhằm chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế; bổ sung các quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành.

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Vẻ, Phó Chủ tịch Hội nước sạch và môi trường Việt Nam bày tỏ đồng tình và thống nhất cao về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước phù hợp yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới; đồng thời đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của ban soạn thảo và việc tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, hội ngành, các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân vào dự thảo Luật. Dự thảo Luật có bố cục chặt chẽ, nội dung bao quát toàn diện lĩnh vực tài nguyên nước.

Trước tình trạng xả nước thải gây ô nhiễm môi trường đáng báo động như hiện nay, TS. Nguyễn Văn Vẻ đề nghị dự thảo ghi rõ và phân loại các nguồn thải để làm cơ sở xây dựng chính sách quản lý...

TS. Hoàng Văn Khoa, Phó Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam cho rằng, về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1, dự thảo Luật đã đề xuất không đưa "nước dưới đất" thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước. Tuy nhiên, theo khái niệm, "nước dưới đất" vẫn là tài nguyên nước, do đó cần xem xét giữ lại ở Luật này.

Còn theo GS.TS. Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm hiệu quả và bền vững tài nguyên, việc rà soát bổ sung, sửa đổi các luật liên quan có ý nghĩa quan trọng.

Hiện nay, chúng ta đã có Luật Thủy lợi, Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai, Pháp lệnh Khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi và nhiều nghị định khác liên quan đến quản lý nước và thiên tai. Tuy nhiên định nghĩa về các từ, cụm từ như "nguồn nước", "tài nguyên nước", "thủy lợi" lại chưa có sự thống nhất, vì vậy cần dành thời gian rà soát, nghiên cứu kỹ lại.

Trong khi đó, đại diện Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam đề xuất dự thảo luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần đề cập đến vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức quản lý lưu vực sông. Bởi nếu có tổ chức quản lý lưu vực sông mạnh thì quản lý tài nguyên nước sẽ có hiệu quả hơn nhiều...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Lấy ý kiến các nhà khoa học cho dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Cần nghiên cứu, rà soát kỹ, tránh chồng chéo, trùng lặp