Theo chương trình Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung Phiên họp chiều nay.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ; lãnh đạo, đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Giao thông tải, Bộ Tài chính; đại diện Văn phòng Chính phủ cùng một số cơ quan hữu quan.
Trình bày Tiểu dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, một số quy định của Luật 2012 còn giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực. Đồng thời, thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước…
Do đó, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh sự cần thiết phải cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Trong đó, cần nghiên cứu, sửa đổi ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) theo hướng bổ sung, hoàn thiện các chính sách đã ban hành.
Điều này nhằm mục đích hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, đảm bảo minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia; phòng ngừa, kiểm tra giám sát và phục hồi các nguồn nước bị suy suy thoái, kiệt quệ và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương giải quyết các chồng chéo, xung đột pháp luật.
Quan điểm xây dựng Luật này là nhằm thể chế hóa quan điểm tài nguyên nước là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý. Tài nguyên nước phải là cốt lõi trong xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch dân cư, quy hoạch các ngành, lĩnh vực. Đồng thời kế thừa các quy định của Luật 2012 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 88 điều và được bố cục thành 10 chương. So với Luật 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 10 điều; sửa đổi, bổ sung 62 điều; bổ sung mới 16 điều) và bãi bỏ 08 điều. Cụ thể, về quy định chung, sửa đổi, bổ sung về phạm vi điều chỉnh, trong đó sửa đổi, bổ sung phát triển tài nguyên nước (Điều 1); bổ sung quy định về áp dụng pháp luật (Điều 4); sửa đổi, bổ sung quy định về các loại hình cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước; trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý, vận hành…
Về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước, gồm 13 điều (từ Điều 13 đến Điều 25), dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về điều tra cơ bản tài nguyên nước theo hướng quy định rõ các hoạt động thuộc đối tượng điều tra định kỳ thường xuyên và không định kỳ; trách nhiệm tổ chức, cá nhân phải cập nhật kết quả thực hiện vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; trách nhiệm phê duyệt và công bố dòng chảy tối thiểu và khả năng tiếp nhận nước thải vào nguồn nước theo hướng công bố ở những khu vực, nguồn nước quan trọng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội…
Về bảo vệ tài nguyên nước (từ Điều 26 đến Điều 38), bổ sung các quy định về chức năng nguồn nước (Điều 26), Dòng chảy tối thiểu (Điều 28), ngưỡng khai thác nước dưới đất (Điều 29), Bảo vệ nguồn nước liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa (Điều 35) nhằm quản lý chặt chẽ hơn về số lượng, chất lượng nguồn nước, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia. Đồng thời sửa đổi bổ sung các quy định về bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt theo hướng quy định các nội dung bảo vệ nguồn nước cho sinh hoạt và trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương, tổ chức/cá nhân trong bảo vệ chất lượng nguồn nước cho sinh hoạt…
Liên quan đến điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng tài nguyên nước, sửa đổi, bổ sung quy định các nguyên tắc điều hòa, phân phối tài nguyên nước cho các mục đích sử dụng; Hoạt động điều hòa, phân bổ tài nguyên nước và quy định trách nhiệm điều hòa, phân bổ tài nguyên nước (Điều 39)…. Đồng thời bổ sung mới Điều 40 về điều hoà, phân phối nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước theo hướng quy định trách nhiệm và nội dung thực hiện điều hoà, phân phối nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước. Thứ trưởng Lê Công Thành cũng nêu rõ, dự án Luật đã bổ sung mới Điều 68 về thuế, phí về tài nguyên nước theo hướng quy định về thuế tài nguyên liên quan đến tài nguyên nước; giá tính thuế tài nguyên.
Bổ sung mới Điều 70 về dịch vụ bảo vệ, phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước, trong đó quy định cụ thể các dịch vụ; nguyên tắc chi trả dịch vụ; trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong cung cấp dịch vụ. Bổ sung mới Điều 71 về tích hợp hoạt động tài nguyên nước, trong đó làm rõ mục đích, ý nghĩa về tích hợp tài nguyên nước và trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp và các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia thực hiện tích hợp tài nguyên nước. Đồng thời bổ sung mới về ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động bảo vệ, phát triển và phục hồi nguồn nước, trong đó quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ, phát triển và phục hồi nguồn nước; các hoạt động bảo vệ, phát triển và phục hồi nguồn nước được ưu đãi, hỗ trợ. Bổ sung mới về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, trong đó quy định rõ các nguồn lực để thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn nước; làm rõ các hoạt động ưu tiên….
Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: “Chính phủ đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện và đề nghị sửa đổi luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có báo cáo thẩm tra”, nên đề nghị thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về sự phù hợp của luật với chủ trương của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật. Lưu ý việc thể chế hóa Kết luận số 36 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tính tương thích với các cam kết, điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên; cho ý kiến về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án luật; có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định thêm về nước dưới đất thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam…
Về một số vấn đề cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung thảo luận các quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước, quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng tài nguyên nước các quy định về phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, công cụ, chính sách, nguồn lực hợp tác quốc tế về tài nguyên nước, các quy định về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước, thanh tra, giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước…; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật có đủ điều kiện để trình Quốc hội.