Lễ hội Lam Kinh năm 2023, điểm du lịch hấp dẫn!

Sơn Hà|06/10/2023 17:26
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Lần đầu tiên tại lễ hội Lam Kinh, chương trình nghệ thuật được trình diễn trên sân khấu thực cảnh với chủ đề "Khởi nghĩa Lam Sơn - Dấu son rực rỡ" đã thu hút hàng ngàn du khách, người dân đến xem.

Sáng 6-10, tức ngày 22-8 năm Quý Mão, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ hội Lam Kinh kỷ niệm 605 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 595 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang, 590 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Lê Lợi.

dau-thanh-tung.jpg
Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Lam Kinh năm 2023 đọc diễn văn khai mạc Lễ hội Lam Kinh năm 2023

Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể; đại diện dòng họ Lê Việt Nam, dòng họ Lê tỉnh Thanh Hóa cùng nhân dân các dân tộc trong và ngoài tỉnh.

do-minh-tuan.jpg
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đánh trống khai hội

Lễ hội Lam Kinh năm 2023 được bắt đầu với nghi thức rước kiệu đức vua Lê Thái Tổ, kiệu Trung Túc Vương Lê Lai từ đền thờ vua Lê Thái Tổ và Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai về sân rồng Chính điện Lam Kinh. Đây được xem là nét đẹp truyền thống về văn hóa tâm linh, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, những người có công với đất nước được lưu giữ và thể hiện trong lễ hội Lam Kinh từ nhiều năm qua.

le.jpg
Nghi thức rước kiệu

Sau nghi thức rước kiệu, lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố... kính cẩn dâng hương tưởng nhớ công đức vua Lê Thái Tổ, cùng các bậc tiền nhân, các anh hùng, nghĩa sĩ đã có công lao trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Với tinh thần yêu nước, căm thù giặc, năm 1416, tại Lũng Nhai, Lê Lợi đã cùng 18 vị tướng tài tâm phúc đã mở Hội thề quyết tâm chống lại giặc Minh, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ cho nhân dân. Lời thề thiêng liêng đã lan tỏa và thu hút anh hùng hào kiệt từ mọi miền đất nước tìm về Lam Sơn tụ nghĩa.

Ngày mùng 2 Tết năm Mậu Tuất - 1418, trong không khí thiêng liêng của Tết cổ truyền dân tộc, tại vùng rừng núi Lam Sơn, dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi, cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược bùng nổ.

nghi-thuc.jpg
Nghi thức truyền thống đọc chúc văn tấu cáo

Năm 1428 cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi hoàn toàn, đất nước sạch bóng ngoại bang xâm lược. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đã trở thành một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta; trở thành biểu tượng cho lòng yêu nước nồng nàn, ý chí anh dũng, quật cường và quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược của nhân dân ta trong thời kỳ phong kiến.

Sau khi đất nước thái bình, tháng 4 năm Mậu Thìn 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Thuận Thiên, khôi phục quốc hiệu Đại Việt và lập nên vương triều Hậu Lê kéo dài hơn 360 năm. Đây là thời kỳ nước Đại Việt được hồi sinh và trở thành một quốc gia cường thịnh vào bậc nhất ở Đông Nam Á nửa sau thế kỷ XV.

Sau khi lên ngôi, Vua Lê Thái Tổ đã chọn đất tổ Lam Sơn là nơi thờ cúng tổ tiên, nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vua và hoàng hậu. Kể từ đó, Lam Kinh - Tây Kinh trở thành vùng đất thiêng - nơi mỗi người hướng về cội nguồn với lòng tôn kính, ngưỡng vọng và tri ân các bậc tiền nhân, tiên tổ. Đây cũng chính là cơ sở cho sự ra đời và sức sống trường tồn của lễ hội Lam Kinh trong suốt nhiều thế kỷ qua.

cac-db-tham-du-le-hoi.jpg
Các đại biểu tham dự lễ hội

Phần hội của Lễ hội Lam Kinh năm 2023 là chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh đặc biệt với chủ đề “Khởi nghĩa Lam Sơn - dấu son rực rỡ” với sự tham gia của hơn 250 ca sĩ, diễn viên, nghệ nhân, học sinh, sinh viên của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh.

Chương trình nghệ thuật đã tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng và những công lao, sự nghiệp to lớn của người Anh hùng áo vải Lê Lợi cùng các tướng sĩ và nhân dân Thanh Hóa nói riêng, nhân dân cả nước nói chung trong cuộc khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược…

Từ đó, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, khẳng định những bài học lịch sử của cha ông trong bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, thể hiện sự phong phú, đa sắc màu trong kho tàng di sản văn hóa xứ Thanh.

Chương trình nghệ thuật còn có sự kết hợp của các trò diễn đặc sắc như trò Xuân Phả, múa đèn Đông Anh, diễn tấu cồng chiêng của người Mường,... tạo nên một không gian nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc, để lại nhiều dư âm cùng ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân và du khách.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội Lam Kinh năm 2023, điểm du lịch hấp dẫn!