– Đến hẹn lại lên, ngày mồng 10 tháng giêng hàng năm, nhân dân vùng chiến khu xưa ATK Định Hóa lại tưng bừng tổ chức Lễ hội Lồng Tồng tại xã Phú Đình (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên). Lễ hội với hàng vạn du khách nô nức tham gia….
Kết nối Lễ hội Lồng Tồng hay còn gọi là Lồng tổng, theo tiếng Tày – Nùng và Lồng tông theo tiếng Dao đều mang nghĩa là “xuống đồng”. Đây là một lễ hội truyền thống đặc sắc của bà con vùng cao, được tổ chức sau một năm vất vả với công việc đồng áng, mừng thành quả lao động đã đạt được của mình, đồng thời tạ ơn trời đất, thần linh, tổ tiên và cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, hạnh phúc..
Thực hiện nghi lễ xuống đồng của đồng bào dân tộc tại Lễ hội
Đúng như ý nghĩa của lễ hội, ông Lương Văn Lành (Bí thư huyện ủy Định Hóa) cho biết, lễ hội Lồng Tồng xuân Đinh Dậu 2017 là sự tiếp nối, kết nối truyền thống của vùng đất ATK Định Hóa với không khí xây dựng quê hương hôm nay; gắn kết giữa văn hóa cội nguồn đậm đà bản sắc với khí thế xây dựng nông thôn mới trên từng bản làng quê hương. Việc tổ chức Lễ hội Lồng tồng ATK (Định Hóa) không chỉ góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát huy những các giá trị truyền thống của lễ hội mà còn giới thiệu, quảng bá hình ảnh tiềm năng kinh tế, du lịch ATK Định Hóa, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân vùng căn cứ địa cách mạng. Đặc biệt, đây chính là dịp dể du khách thập phương hiểu thêm về thủ đô kháng chiến năm xưa. Quê hương cách mạng ATK Định Hóa (Thái Nguyên) – vùng đất từng được mệnh danh “Thủ đô gió ngàn” với quần thể di tích kháng chiến đã được công nhận di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Trong thời kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954), ATK Định Hóa là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, chở che cho các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh. Tại căn lán Tỉn Keo, dưới chân đèo De, Núi Hồng (nay thuộc xã Phú Đình), vào cuối tháng 9/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến của Tổng quân ủy, làm nên thắng lợi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương… Với truyền thống lịch sử vẻ vang đó, Định Hóa đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân… Khởi sắc ATK Về Định Hóa hôm nay, điện lưới quốc gia đã thắp sáng những bản làng, đường nhựa phẳng lì đến từng thôn, bản, những ngôi trường, trạm y tế đã được kiên cố hóa.
Thi đấu bóng chuyền tại Lễ hội..
Trên mảnh đất này, tháng 5/1945, Việt Nam giải phóng quân được thành lập trên cơ sở hợp nhất Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân tại đình Làng Quặng, xã Định Biên, trở thành lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh giành chính quyền cách mạng ở khắp vùng Thái Nguyên, Tuyên Quang, góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Ông Ma Đình Đối (Chủ tịch UBND huyện Định Hóa) cho biết, những năm qua, được sự đầu tư lớn của Đảng và Nhà nước, Định Hóa đã có nhiều bước chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội, đời sống của bà con các dân tộc ngày càng được nâng cao. Cùng với tiềm năng về phát triển du lịch lịch sử, sinh thái, huyện đang tích cực phát huy thế mạnh đất lâm nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, xây dựng vùng sản xuất lúa bao thai đặc sản, vùng chăn nuôi, vùng trồng cây lâm nghiệp tập trung. Khai thác thế mạnh về đất nông, lâm nghiệp, Định Hóa cũng đang tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc với tổng đàn trâu, bò lên hơn 10.000 con. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân mở rộng 15 trang trại và 140 gia trại chăn nuôi. Huyện cũng thành lập Hợp tác xã trồng và chế biến nông, lâm, thủy sản, cây dược liệu tại làng Bẩy, xã Tân Dương, hỗ trợ thành lập 3 tổ hợp tác chăn nuôi dê tại 3 xã: Phượng Tiến, Trung Hội, Bộc Nhiêu, góp phần mở ra nhiều hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, từ năm 2016, huyện đã triển khai dự án phát triển cây quế tại 20 xã với mục tiêu mỗi năm trồng mới từ 500 ha quế trở lên, đưa Định Hóa trở thành vùng chuyên canh quế lớn nhất tỉnh, mở ra nhiều cơ hội tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp cung ứng giống, khai thác, chế biến lâm sản triển khai dự án xây dựng “Cánh rừng mẫu lớn” với tổng diện tích hơn 600 ha ở xã Quy Kỳ, mở ra hướng đi mới trong phát triển lâm nghiệp, tạo sinh kế dưới tán rừng gắn với bảo vệ vốn rừng… Để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, Định Hóa đặc biệt quan tâm việc phát triển cơ sở hạ tầng. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, toàn huyện đã huy động được hơn 150 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng mới như: Hồ Đồng Lá, kè sông Chu, đường Tân Thịnh – Khe Thí, trường mầm non Phú Đình… Huyện tích cực lồng ghép các nguồn vốn đẩy mạnh việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Năm 2016, toàn huyện đã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Đồng Thịnh, Phượng Tiến, Bảo Cường và Trung Hội. Với kết quả đã đạt được, Định Hóa tiếp tục phát huy thế mạnh để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong năm 2017. Ước vọng Ông Phạm Việt Dũng (Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa) cho biết, mặc dù đạt được những thành công nhất định trong phát triển kinh tế – xã hội vùng ATK nhưng qua điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 – 2020, Định Hóa vẫn còn trên 7000 hộ nghèo, chiếm 27% và hơn 5.800 hộ cận nghèo, chiếm 22% dân số toàn huyện.
Lễ cúng cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu tại Lễ hội
Để giảm nhanh số hộ nghèo trên địa bàn, cấp ủy và chính quyền huyện đang tập trung chỉ đạo các xã trong huyện mở rộng diện tích trồng chè, phát triển đàn gia súc, thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp Kim Sơn, triển khai xây dựng nhà máy may công nghiệp xuất khẩu, triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho hộ dân tộc thiểu số khó khăn… Chung tay với cấp ủy, chính quyền huyện Định Hóa nhằm đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo, mới đây tỉnh Thái Nguyên vừa thông qua chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng ATK và vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn trên địa bàn Định Hóa giai đoạn 2016 – 2020 với các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 42 triệu đồng, 100% các tuyến đường giao thông liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, giảm số hộ nghèo bình quân hàng năm từ 3% trở lên, 75% số trường đạt chuẩn quốc gia, 90% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế… Trên cơ sở đó, tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án khôi phục bảo vệ và phát triển rừng cảnh quan khu ATK huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2008 – 2020 và một số dự án khác, huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng trọng điểm như: Xây dựng hồ Khuôn Tát, xã Phú Đình; hồ Khuôn Nhà, xã Quy Kỳ; nâng cấp tuyến đường tỉnh ĐT 268 lên thành quốc lộ 3C, đầu tư cơ sở hạ tầng khu du lịch liên hoàn Chùa Hang – Nhà tù Chợ Chu – Hồ Bảo Linh… Đây chính là những nguồn lực mới để Định Hóa vươn lên, trở thành vùng đất giàu và đẹp, xứng danh quê hương cách mạnh anh hùng.
Theo Nông nghiệp việt nam