Tham dự buổi lễ có đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, dự và phát biểu.
Cùng tham dự còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể trung ương; các tỉnh, thành phố trong khu vực; đại diện các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lục lượng vũ trang; cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Bình qua các thời kỳ và đại diện các tầng lớp nhân dân.
Các đại biểu tham dự buổi lễ
Tròn 63 năm trước, trong điều kiện đất nước bị chia cắt, tỉnh Quảng Bình và huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) trở thành nơi tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam. Để động viên nhân dân Quảng Bình – Vĩnh Linh vượt qua khó khăn, với tình cảm sâu nặng của mình, ngày 16/6/1957, Bác Hồ đã vào thăm Quảng Bình. Bác đã dành thời gian gặp gỡ, thăm hỏi đoàn đại biểu các dân tộc, đại biểu nhân sĩ, trí thức, đại biểu tôn giáo. Tình cảm sâu sắc, những lời căn dặn và dạy bảo của Bác là quan điểm, tư tưởng chỉ đạo mang tính chiến lược, lâu dài; trở thành phương châm hành động, ý chí quyết tâm của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Bình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng quê hương.
Ghi nhớ và tri ân sâu sắc những lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu, được sự đồng ý của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy và chính quyền tỉnh Quảng Bình đã xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình nằm trong khuôn viên Quảng trường Hồ Chí Minh tại trung tâm thành phố Đồng Hới.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Trần Quốc Vượng đã biểu dương, ghi nhận những thành tích đạt được của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình trong 63 năm qua. Để xứng đáng với kỳ vọng, những lời căn dặn và tình cảm thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Thường trực Ban Bí thư yêu cầu Quảng Bình cần tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ có lợi thế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ du lịch, dịch vụ, quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Một tiết mục nghệ thuật tại buổi lễ
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình được đặt tại trung tâm thành phố Đồng Hới. Tượng đài gồm 7 nhân vật được làm từ chất liệu hợp kim; Bác Hồ là nhân vật trung tâm, các nhân vật còn lại gồm: nhân vật thiếu nhi đại diện cho thế hệ trẻ, nhân vật nữ đại diện cho nông nghiệp, nhân vật nam thứ nhất đại diện cho ngư nghiệp, nhân vật nam thứ hai (bộ đội) đại diện cho lực lượng vũ trang, nhân vật nam thứ ba (công nhân) đại diện cho công nhân, trí thức, nhân vật nữ dân tộc Bru – Vân Kiều đại diện cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình. Nhóm nhân vật đại diện các tầng lớp nhân dân tỉnh Quảng Bình được thể hiện tập trung hướng nhìn về Bác Hồ với tấm lòng thành kính.
Đây là công trình văn hóa có giá trị đặc biệt và ý nghĩa chính trị quan trọng, thể hiện lòng kính yêu sâu sắc của nhân dân Quảng Bình đối với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc.
Tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình” là ước nguyện thiêng liêng của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, chiến sỹ các lực lượng vũ trang và nhân dân Quảng Bình nhằm ghi dấu sự kiện lịch sử trọng đại – Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình (16/6/1957). Bên cạnh đó, việc xây dựng Tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình” còn góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng xã hội của một đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế hội nhập, phát triển.
Minh Tâm