Ngày 01/11/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Thanh niên phối hợp cùng Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Vượt lên số phận” lần thứ VII; kỷ niệm 62 năm thành lập Tạp chí Thanh niên.
Cuộc thi viết Vượt lên số phận nhằm tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh và nhân rộng những gương thanh thiếu niên và những người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn, nhưng luôn nuôi dưỡng ý chí mãnh liệt, khát khao vượt lên số phận khắc nghiệt. Cuộc thi lần này góp phần phát huy tính năng động, sáng tạo của tuổi trẻ trong lập thân, lập nghiệp, vươn lên làm chủ cuộc sống, đóng góp tích cực vào sự phát triển của quê hương, đất nước, để mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ hiện nay học tập, noi theo.
Ngay sau khi công bố thể lệ cuộc thi, Ban tổ chức đã triển khai tới các Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi cấp tỉnh, thành phối hợp với các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc, Hội LHTN các Tỉnh, Hội nhà báo các tỉnh tuyên truyền về cuộc thi và vận động đoàn viên, thanh niên tích cực viết bài tham dự cuộc thi. Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, sôi nổi của đông đảo các cây bút chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước. Sau hơn 4 tháng cuộc thi viết "Vượt lên số phận" lần thứ VII, Ban tổ chức đã nhận được gần 1000 bài dự thi từ khắp mọi miền đất nước. Cuộc thi viết không chỉ là dịp ghi nhận, động viên, cổ vũ quá trình vượt qua những khó khăn, nghịch cảnh, những mất mát mà người khuyết tật, trẻ mồ côi phải đối mặt hàng ngày mà còn là dịp để những người khiếm khuyết một phần cơ thể, trẻ em chịu mất mát người thân được nói lên những mong ước, những cơ chế chính sách để để không bị phân biệt đối xử, hòa nhập tốt với cộng đồng.
Mặc dù chủ đề của cuộc thi không dễ thể hiện song nhân vật thể hiện trong các tác phẩm đều là những tấm gương vượt khó vươn lên. Đó là hành trình vượt khó của chị Nguyễn Phương Thúy, ở Tổ 3B Khu Hương Trầm, Phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, một cô gái mắc bạo bệnh về xương từ năm 12 tuổi, phải nghỉ học và mất khả năng vận động toàn thân, suy giảm 95% sức khỏe. Trong bài dự thi của mình, chị Phương Thúy viết: "... Tôi không đành lòng, thâm tâm nảy sinh hi vọng mãnh liệt: Mình có thể làm điều gì để thoát khỏi sự trói buộc của số phận, để mình và cả nhà bớt khổ? Bỗng dưng, tôi lóe lên ý tưởng tự nâng đời sống tinh thần, tiếp cận với các kiến thức xoay quanh đời sống thông qua sách báo để học chữ, để tập viết”.
Từ bài viết được đăng báo đầu tiên đã thôi thúc Phương Thúy thêm tin tưởng vào sự lựa chọn của mình và dù biết bệnh tình của mình khoa học phải bó tay nhưng bằng nghị lực phi thường, chị đã vượt qua nghịch cảnh để trở thành một cây viết có tên tuổi. Hiện Phương Thúy với bút danh Viên Nguyệt Ái là nhà văn, Hội viên Hội liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ, đã xuất bản 10 đầu sách và được nhận 33 giải thưởng, bằng khen, giấy khen các cấp.
Bài dự thi "Tin vào ngày mai tươi sáng của" của chị Lê Thị Hà ở Số 7, ngõ 6 Lê Trọng Tấn, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội khiến người đọc luôn nhớ "ngày định mệnh"– ngày 8/3/2003, tai nạn giao thông "đã làm tôi gãy 3 đốt sống lưng, đứt tủy, dập nát cánh tay trái, gãy 6 xương sườn và phải cắt bỏ lá lách vì dập nát. Khủng khiếp hơn, nó khiến tôi liệt nửa người và gắn bó vĩnh viến với chiếc xe lăn trong quãng đời còn lại"...". Sau chuỗi ngày u ám, "Tôi may mắn khi mình gặp khó khăn, bên cạnh tôi luôn có gia đình và bạn bè thân thiết đồng hành. Và cuộc gặp gỡ với thầy giáo dạy văn cấp 3 của tôi đã khiến tôi thay đổi tích cực hơn. Thầy tôi nói "Khi con người ta bị thiếu hụt hay khiếm khuyết cái này thì ông trời sẽ bù lại cái khác, chỉ cần tôi mạnh mẽ và quyết tâm." Thầy là người cho tôi niềm tin vào khả năng của mỗi người. Tôi quyết tâm vực lại tinh thần, sẽ sống tốt như lời thầy dạy bảo. Thầy như ánh sáng cuối đường hầm để rọi chiếu con đường tăm tối tôi đang mò mẫm đi.
Với kiến thức được học, chị Hà bắt đầu dạy con và những đứa trẻ trong khu môn tiếng Anh, tham gia Trung tâm hỗ trợ sống độc lập của người khuyết tật Hà Nội, trở thành một Tham vấn viên đến nay được hơn 10 năm, giúp nhiều người khuyết tật thoát ra khỏi cái bóng của chính mình, cởi bỏ sự tự ti. Kết thúc bài dự thi, chị Hà tâm niệm: Có thể mỉm cười mỗi sớm mai thức dậy, sống lạc quan, tự tin tôi đã phải nỗ lực cố gắng và vượt qua những "nỗi đau" mỗi ngày. Và đặc biệt, tôi tin vào ngày mai tươi sáng.
Bên cạnh những bài dự thi do chính người khuyết tật viết về bản thân, còn là những bài viết cuốn hút, xúc động từ những tác giả viết về người khuyết tật. Tiêu biểu như bài viết "Cây xanh vươn trên đá cằn của tác giả Trần Hiền kể về câu chuyện anh Võ Đức Đăng ở thôn Đùng Hói Bàu, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đó là hành trình gian nan vất vả từ lúc sinh ra đã không có cha đến tuổi trưởng thành lại mắc bạo bệnh – căn bệnh động kinh dạng hiếm gặp. Nhưng bệnh tật không làm anh Đăng vơi bớt khát khao học tập và sự nỗ lực của anh đã được đền đáp khi đỗ nguyện vọng một vào trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị, ngành sư phạm Toán. Cũng tại mái trường này, anh đã gặp và nên duyên cùng vợ anh, người con gái học lớp sư phạm văn. Chàng trai mồ côi bệnh tật năm xưa nay đã là một người cha hiền đức, một người chồng mẫu mực, một người con hiếu thảo. Không chỉ sống hòa nhã với xóm làng, tham gia mọi phong trào ở địa phương, vợ chồng anh còn tham gia vào các công tác xã hội ở xóm làng, tích cực đóng góp vào sự đổi thay của quê hương đất nước ".
Đọc bài dự thi Điều kỳ diệu bay xa của tác giả Võ Anh Tuấn chúng ta lại cảm nhận rõ nét về nghị lực phi thường của cô sinh viên trường Luật "Nguyễn Mai Anh", một cô gái sinh trưởng trong một gia đình nhà giáo ở Phú Thọ nhưng không may mắc chứng bại não thể co cứng bẩm sinh. Chứng bệnh quái ác đã khiến cho Mai Anh gặp nhiều khó khăn trong việc vận động cũng như sinh hoạt hằng ngày. Mặc dù đau đớn về thể xác nhưng Mai Anh chưa bao giờ có ý định từ bỏ ước mơ trở thành luật sư của mình. Với những cột mốc chinh phục được như đỗ vào trường THPT Chuyên Hùng Vương, Phú Thọ với số điểm cao và thi đậu vào Trường Đại học Luật với 26,75 điểm, hiện Mai Anh đang thực tập ở một văn phòng luật sư tại Hà Nội. Hàng tuần, em vẫn phải tập trị liệu, học thêm tiếng Anh để lấy chứng chỉ IELTS. Mai Anh cho hay sẽ học thêm lớp đào tạo nghề luật sư ở Học viện Tư pháp. Con đường phía trước của Mai Anh còn rất dài và còn nhiều chông gai nhưng chắc chắn cô gái ấy sẽ không bao giờ dừng lại chân con đường của mình cho đến khi chạm tay vào hạnh phúc chân chính mà mình mong ước bấy lâu.
Kết quả, Ban tổ chức quyết định trao: 1 giải đặc biệt trị giá 15.000.000 đồng dành cho người khuyết tật tự viết về bản thân mình, 1 giải A trị giá 10.000.000 đồng, 3 giải B: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng, 5 giải C: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng, 3 giải khuyến khích dành cho tập thể có nhiều bài dự thi, giải tác giả lớn tuổi có bài thi hay nhất và tác giả nhỏ tuổi có bài thi hay nhất: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng, 1 Giải thưởng nhân vật truyền cảm hứng và 1 giải thưởng tác động - Nhằm tôn vinh câu chuyện có sức ảnh hưởng đặc biệt đến cộng đồng: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
Cũng tại chương trình, Tạp chí Thanh niên ký kết với Công ty phát hành báo chí Trung ương phát hành tạp chí in trên nền tảng số. Ký hợp tác phát triển công nghệ bình chọn, tiktok, YouTube với Bvot. Ký kết hợp tác khoa học với Trường Đại học Điện lực.Trao quà, học bổng cho sinh viên vượt khó học giỏi. Trao kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp bảo vệ người khuyết tật và và trẻ mồ côi Việt Nam".