Môi trường đô thị

Liên tiếp xảy ra động đất ở Kon Tum, làm gì để ứng phó?

Minh An 13/10/2024 11:00

Hàng loạt trận động đất xảy ra liên tiếp ở vùng tâm chấn thuộc tỉnh Kon Tum khiến người dân bất an, lo lắng. Theo các chuyên gia, giải pháp lâu dài là người dân và chính quyền cần chủ động trang bị kỹ năng ứng phó với động đất tại đây.

Chỉ trong 10 ngày đầu tháng 10, Kon Tum đã xảy ra gần 30 trận động đất. Cụ thể, vào hồi 11 giờ 12 phút 52 giây ngày 11/10, một trận động đất có độ lớn 2.8 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.864 độ vĩ Bắc, 108.232 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Trước đó tại đây cũng xảy ra liên tiếp 2 trận động đất có độ lớn lần lượt là 2.7 và 2.8 độ richter, nối dài vào hàng chục trận động đất liên tiếp những ngày qua. Cụ thể, ngày 10/10 xảy ra 2 trận động đất, ngày 9/10 xảy ra 5 trận, ngày 7/10 xảy ra 8 trận, ngày 5/10 xảy ra 6 trận, ngày 4/10 có 3 trận, ngày 1 và 3/10 mỗi ngày xảy ra 1 trận động đất. Như vậy chỉ từ đầu tháng 10 tới nay, tại Kon Tum đã xảy ra 29 trận động đất trong đó trận lớn nhất có độ lớn 4.1 độ richter, gây rung lắc mạnh.

dong-dat.jpg
Ảnh minh họa

Theo Viện Vật lý địa cầu, những trận động đất xảy ra ở Kon Tum là động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy sâu trong lòng đất.

TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm động đất xảy ra dồn dập, có thời kỳ yên tĩnh hơn. Điều này liên quan chặt chẽ đến quá trình vận hành tích nước của hồ chứa thủy điện. Một số yếu tố liên quan đến động đất kích thích như mực nước hồ chứa, tốc độ tích nước hồ chứa, tổng lượng nước sẽ tác động đến động đất.

Tuy nhiên, trước sự gia tăng của hiện tượng này, các cơ quan chức năng và chuyên gia đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ an toàn cho cộng đồng. Từ việc nâng cao nhận thức cho người dân đến xây dựng các công trình an toàn, Kon Tum đang từng bước đối phó với nguy cơ động đất.

Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là việc phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức cộng đồng về cách đối phó với động đất. Trong các buổi tập huấn do chính quyền địa phương kết hợp với Viện Vật lý địa cầu tổ chức, người dân được hướng dẫn chi tiết cách tự bảo vệ mình khi xảy ra động đất. Các chuyên gia đưa ra những khuyến cáo về việc nên làm gì trong trường hợp xảy ra động đất bất ngờ, như tìm chỗ ẩn nấp dưới các vật cứng, tránh xa cửa sổ và những đồ vật có thể rơi đổ.

Ứng phó thế nào khi động đất xảy ra?


Để giảm thiểu thiệt hại về vật chất, một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng công trình an toàn. Theo khuyến nghị của các chuyên gia, người dân sống trong khu vực có nguy cơ động đất cao như Kon Tum nên áp dụng nguyên tắc "3 cứng": Mái cứng, tường cứng và nền cứng. Các công trình xây dựng theo nguyên tắc này có khả năng chịu được tác động rung lắc mạnh mà vẫn giữ vững cấu trúc, giúp giảm nguy cơ sập đổ, bảo vệ tính mạng và tài sản của cư dân.

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, động đất là hiện tượng tự nhiên không thể ngăn chặn, nhưng chúng ta có thể giảm thiểu tối đa thiệt hại bằng cách chuẩn bị tốt về mặt cơ sở hạ tầng. Việc xây dựng công trình theo đúng tiêu chuẩn sẽ giúp giảm thiệt hại đáng kể nếu xảy ra động đất lớn.

Bên cạnh việc nâng cao nhận thức và hướng dẫn xây dựng an toàn, việc chuẩn bị lực lượng cứu hộ cứu nạn cũng là một phần không thể thiếu trong kế hoạch ứng phó với động đất tại Kon Tum. Hiện nay, các đơn vị quân đội, công an và dân phòng tại huyện Kon Plông đã được huấn luyện kỹ càng, sẵn sàng ứng phó trong tình huống khẩn cấp. Họ được trang bị kiến thức về cứu hộ trong các tình huống nhà sập, người bị mắc kẹt và có kế hoạch sơ tán dân cư nếu tình hình trở nên nghiêm trọng.

TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, dù các biện pháp ứng phó với động đất đã được triển khai, Kon Tum vẫn gặp phải nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề địa hình hiểm trở và điều kiện kinh tế hạn chế của người dân. Huyện Kon Plông nằm ở vùng núi cao, giao thông khó khăn, gây cản trở cho việc xây dựng hạ tầng kiên cố và tiếp cận nhanh chóng khi xảy ra sự cố. Nhiều người dân vẫn còn khó khăn trong việc chi trả chi phí để cải tạo nhà cửa theo chuẩn an toàn.

Chính quyền địa phương và các tổ chức phi Chính phủ đã nỗ lực kêu gọi hỗ trợ tài chính và vật liệu xây dựng từ các nguồn tài trợ để giúp đỡ người dân nghèo cải tạo nhà cửa. Một số chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở chịu động đất đã được triển khai, như chương trình hỗ trợ nhà ở từ Quỹ vì người nghèo của tỉnh Kon Tum, cung cấp vật liệu xây dựng miễn phí cho các hộ gia đình nghèo...

Theo Cục Phòng, Chống thiên tai (Bộ NNPTNT), nếu ở các khu vực thường xuyên có cảnh báo động đất cần chủ động chuẩn bị sẵn các vật dụng khẩn cấp gồm nước uống đóng chai, đồ ăn đóng hộp, đèn pin, pin, radio, dụng cụ y tế, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác. Không đặt các vật nặng lên giá đỡ cao, không đặt giường, tủ sát cửa kính. Những vật dụng trong nhà dễ đổ, rơi xuống nên được gắn chặt vào tường nhà. Các đồ vật nặng như: Kệ sách, tủ đồ… nên đặt ra xa khỏi các lối, đường thoát nạn. Những người sống ở chung cư cần nắm vững lối thoát hiểm. Theo dõi thông báo, chỉ dẫn của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Nếu động đất xảy ra khi đang ở trong nhà, ngay lập tức chui xuống gầm bàn, gầm giường chắc chắn để tránh các vật rơi trúng người và nếu trần nhà sập vẫn có không khí để thở. Ở đó ít nhất cho đến khi hết đợt rung chấn thứ nhất. Ra khỏi chỗ ẩn nấp sau khi hết cơn rung chấn và khi chỗ trú thực sự có nguy cơ sập đổ. Luôn giữ trẻ em, người lớn tuổi theo bên mình. Mang giày, dép để tránh giẫm phải mảnh kính vỡ, đồ vật sắc nhọn. Nhanh chóng loại trừ nguồn nhiệt: Nếu động đất nhẹ, khóa van khí đốt (gas), tắt các thiết bị điện rồi tìm nơi trú ẩn. Nếu quá mạnh, sau khi hết cơn rung chấn thứ nhất thì khóa van khí đốt (gas), tắt các thiết bị điện.

Nếu động đất nhỏ hoặc ngay sau khi hết cơn rung chấn lần thứ nhất, mở cửa sổ, cửa ra vào để thoát hiểm khi cần (đề phòng biến dạng cấu kiện xây dựng không mở được cửa). Không ra khỏi nhà khi động đất đang xảy ra, đề phòng cấu kiện xây dựng, đồ vật rơi vào người.

Tuyệt đối không sử dụng thang máy. Nếu đang ở trong thang máy mà nguồn điện vẫn hoạt động, nhanh chóng thoát khỏi thang máy, tìm chỗ trú ẩn trong tòa nhà. Nếu thang máy mất điện, lập tức nằm xuống sàn, bảo vệ đầu bằng tay, đợi đến khi thang máy hoạt động trở lại hoặc hết rung chấn thì gọi trợ giúp, sử dụng thang bộ sau khi ra khỏi thang máy.

Nếu động đất xảy ra khi đang ở ngoài đường thì nên lánh nạn ở những bãi đất trống, tránh xa các tòa nhà cao tầng, tường cao, dây điện, panô quảng cáo, cây to…

Nếu động đất xảy ra trong lúc lái xe, tìm một địa điểm an toàn để dừng lại, tốt nhất là tấp xe vào lề đường, tránh xa các trụ điện, dây điện, cầu, cầu vượt, đường dốc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Liên tiếp xảy ra động đất ở Kon Tum, làm gì để ứng phó?
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.