Kon Tum: Huyện Kon Plông tập trung xử lý những vi phạm trong lĩnh vực đất đai
Hiện nay, công trình vi phạm đất đai trên địa bàn huyện Kon Plông đang được tập trung xử lý. Tuy nhiên, một số hộ vi phạm vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh lén lút…?
Với khí hậu trong lành, mát mẻ, trước khi trở thành vùng đất nổi tiếng phục vụ cho nghỉ dưỡng và du lịch thì huyện Kon Plông đã có giai đoạn phát triển bất động sản mạnh mẽ. Nhận thấy được tiềm năng đó, có những thời điểm chính quyền huyện Kon Plông chủ trương ưu tiên việc giao và cho thuê đất để thu hút đầu tư trong - ngoài địa phương đến để xây dựng công trình phục vụ cho mục đích thương mại - dịch vụ như homestay, lưu trú, quán xá,…
Cũng từ đó, công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện có nhiều bất cập và để xảy ra nhiều vi phạm. Trước đó, năm 2023, Thanh tra Chính phủ xác định quá trình thực hiện huy động nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước đầu tư cho nhà ở, chính quyền huyện Kon Plông đã giao đất biệt thự không qua đấu giá. Ngoài ra, tại đây còn xảy ra hàng loạt trường hợp vi phạm không xác định giá trị đất cụ thể tại thời điểm giao đất, giao đất vượt hạn mức, không thu tiền sử dụng đất…
Cho đến nay, huyện Kon Plông vẫn đang tiếp tục khắc phục các vi phạm về đất đai. Ông Lê Thành Diễn – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kon Plông chia sẻ: “Các công trình mới vi phạm đất đai trên địa bàn huyện được tập trung xử lý triệt để, còn những vi phạm trước đó thì phải có lộ trình. Đối với địa bàn xã, vi phạm chủ yếu là ở cơ sở để xuất lên, dù huyện có quyết định xử phạt nhưng trách nhiệm vẫn thuộc về địa phương…”
Tại thôn Kon Tu Rằng, xã Măng Cành, cũng xuất hiện một số trường hợp xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Điển hình: Trường hợp của cá nhân Hoàng Văn Triều, theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 656/QĐ-XPVPHC của UBND huyện Kon Plông ngày 11/7/2022; trường hợp của cá nhân Đỗ Thị Hải Anh, theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 06/QĐ-XPVPHC của UBND huyện Kon Plông ngày 06/1/2023;…
Đối với các trường hợp này đã có phương án xử phạt hành chính, yêu cầu khôi phục lại trình trạng ban đầu, thực hiện biện pháp khắc phục trong vòng 30 ngày kể từ ngày có quyết định xử phạt. Tuy nhiên đến nay, một số hộ thực hiện mô hình kinh doanh chưa thực hiện biện pháp mà còn đang lén lút hoạt động trong quá trình cơ quan chức năng hoàn tất lộ trình xử lý.
Ông Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch UBND xã Măng Cành cho biết: “Quá trình theo dõi các hộ có kinh doanh hay không thì tôi cũng đã trực tiếp đi kiểm tra vài lần, nhưng chắc vào trúng mùa thấp điểm, nên thời điểm đó không phát hiện gì. Quan điểm không cổ súy cho việc làm sai, nếu phát hiện sai phạm thì kiên quyết xử lý. Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn xã Măng Cành không có trường hợp xây dựng công trình trái phép nào để phải xử phạt vi phạm hành chính hay cưỡng chế, tháo dỡ.”
Trước đó, tỉnh Lâm Đồng đã có quy định mới về diện tích được phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp để góp phần hạn chế tình trạng xây dựng tràn lan, lấn chiếm đất nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đầu tư xây dựng các công trình phục vụ trực tiếp cho sản xuất. Nói riêng về địa bàn huyện Kon Plông của tỉnh Kon Tum, với diện tích đất nông nghiệp còn đang lớn, đối với những trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp thuần túy với mục đích phục vụ cho sản xuất trực tiếp, tại chỗ thì đây như một hi vọng sẽ có một quy định mới ban hành.
Chủ tịch xã Măng Cành tâm sự “mong muốn có những quy định, văn bản rõ ràng hơn trong xây dựng công trình nhà ở trên đất nông nghiệp. Như hiện nay, dù mong muốn người dân phát triển kinh tế xã hội nói chung, trong đó có du lịch nhưng anh em ở cơ sở không dám làm sai. Tất nhiên những việc tồn đọng thì vẫn tiếp tục xử lý cho đến khi có văn bản, quy định chính thức”.