Lời dạy của Bác về trồng cây bảo vệ môi trường

Minh Tuấn|25/01/2020 03:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường ở thời đại nào, thời điểm nào cũng hết sức quan trọng. Bác Hồ, tết, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe, vì sức khỏe là vốn quí nhất của con người. Con người có mạnh khỏe thì công việc làm mới có hiệu quả, chất lượng.

Người luôn gần gũi và yêu quý thiên nhiên

Sinh thời, Bác Hồ thường xuyên quan tâm đến vấn đề trồng cây và môi trường. Người quan niệm rằng trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần, mà còn có ý nghĩa quan trọng là giáo dục đạo đức lao động, đặc biệt là nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu tại căn cứ địa Việt Bắc, trên những chặng đường kháng chiến gian khổ, nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh thường giản dị với tranh, tre, lá, nứa, cây rừng… và có thêm một mảnh đất để tăng gia trồng rau. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc chiến, Người vẫn chủ trương bảo vệ rừng và dựa vào địa hình thiên nhiên để xây dựng căn cứ bí mật, phục vụ cho công cuộc trường kỳ kháng chiến.

Sau ngày kháng chiến thành công, trở về Hà Nội làm việc trong Khu Phủ Chủ tịch, Bác chuyển đến sống và làm việc trong một ngôi nhà sàn giản dị nằm giữa vườn cây xanh, bên bờ ao trong mát, Người đã trồng rau, trồng hoa, cây ăn quả, nuôi cá ở Phủ Chủ tịch.

Dù bận trăm công ngàn việc, Người vẫn luôn quan tâm dặn dò nhân dân, cán bộ, chiến sĩ về bảo vệ môi trường

Người kêu gọi trồng cây để bảo vệ môi trường

Nhận thức được tầm quan trọng của thiên nhiên và cây xanh đối với đời sống con người, Bác đã sớm quan tâm tới việc xây dựng một môi trường sống trong lành cho nhân dân, lấy việc trồng, bảo vệ cây xanh là đòn bẩy cho hoạt động bảo vệ môi trường.

Năm 1957, dịp Bác Hồ về thăm Quảng Bình, Tỉnh ủy đã tổ chức buổi liên hoan văn nghệ chào mừng Bác tại bãi cát trống ven biển. Cuối buổi văn nghệ Bác đứng dậy, nói với mọi người: “Để kỷ niệm tôi vui của bác cháu ta. Bác đề nghị mỗi cháu ở đây phải trồng một cây phi lao để chắn gió”(5). Mọi người đồng ý và xin Bác được trồng 2 cây. Bác đồng ý và căn dặn: “Nhưng phải đảm bảo trồng cây nào cũng phải sống và xanh tốt. Các cháu nhớ báo cáo tình hình cho Bác biết”(6). Khi đến thăm Trường Trung cấp Thể dục thể thao Từ Sơn, Người căn dặn: “Nên cố gắng trồng nhiều cây có bóng mát để học sinh có nơi trú nắng” (7).

Đặc biệt, từ năm 1959 đến đầu năm 1969, Bác Hồ đã viết 7 bài viết kêu gọi trồng cây trong các năm 1959, 1960, 1963, 1964 1965, 1969, riêng năm 1960 Bác viết 2 bài. Qua đó, chúng ta đã biết Bác quan tâm đến việc trồng cây gây rừng đến mức nào. Trong mỗi bài, Bác đều đưa ra những dẫn chứng, ích lợi của việc trồng cây: vừa có tính kinh tế, an ninh, quốc phòng, vừa mang tầm chiến lược lâu dài.

Như  trong bài: “Tết trồng cây”, đăng trên Báo Nhân dân số 2082, ngày 28/11/1959, Người nêu rõ: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều… Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta…” (8). Ngày 9/5/1961, nói chuyện với nhân dân đảo Cô Tô, Hải Ninh (nay là Quảng Ninh). Người căn dặn: “Cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. Trồng cây sẽ đưa lại cho nhân dân ta một nguồn lợi to, lại làm cho xứ sở ta thêm đẹp”(9).

Ngày 1/1/1965, trong bài Hãy nhiệt liệt tổ chức tết trông cây đăng trên Báo Hà Đông, Người chỉ rõ: “muốn xây dựng nông thôn mới… là xây dựng lại nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều tốt để lấy gỗ và để chống gió cát, bảo vệ ruộng, chông sói mòn…” (10).

Muốn bảo vệ môi trường thì phải bảo vệ rừng, giữ cân bằng sinh thái tự nhiên

Không chỉ kêu gọi mọi người tích cực trồng cây, gây rừng mà Bác Hồ yêu cầu phải có ý thức trách nhiệm bảo vệ cây để bảo vê môi trường. Những năm ở chiến khu, khi làm nhà cho Bác, Người yêu cầu: “Làm lán cho Bác phải dựa vào cây không được chặt phá cây ảnh hưởng đến môi trường”(11). Quanh bờ dậu trước nhà sàn Bác thường cho anh em trồng cây dâm bụt. Bác thích loại cây đó, vì nó gần gũi, thường gặp ở vùng quê.

Tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi năm 1963, Bác ân cần nhắc nhở: “Các cô, các chú cần hết sức chú ý vấn đề bảo vệ rừng. Nếu cứ để tình trạng đồng bào phá một ít, nông trường phá một ít, công trường phá một ít, thậm chí đoàn thăm dò địa chất cũng phá một ít, thì rất tai hại. Phá rừng thì dễ, nhưng gây dựng lại rừng phải mất hàng chục năm. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều” (12).

Người xót xa trước cảnh rừng bị tàn phá, khai thác bừa bãi và cho rằng, “những cây gỗ to bị chặt để đốt hay để cho mục nát thì không khác gì đồng bào tự mình đem tiền bạc bỏ xuống sông”. Người cảnh báo nhân dân ta về sự nguy hại của việc chặt, phá khai thác rừng bừa bãi, dẫn đến sự  phá vỡ cân bằng môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến khí hậu, đời sống sản xuất.

Không chỉ kêu gọi mọi người tham gia phong trào trồng cây gây rừng qua các bài nói, viết, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu gương cho mọi người bằng những hành động cụ thể. Năm 1960, Bác tham gia trồng cây với nhân dân Thủ đô ở Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Năm 1961, Bác cùng các đại biểu thanh niên Thủ đô đến trồng cây trên công trình lao động làm đẹp Thủ đô của tuổi trẻ tại vườn hoa Thanh Niên.

Ngày 3/2/1963, Người về thăm và tham gia trồng cây trong Hội trồng cây thống nhất của đồng bào huyện Đông Anh. Và hằng năm mùa xuân về, Bác lại tham gia trồng cây.

Sáng mùng 1 Tết Kỷ Dậu 1969, tuy sức khoẻ đã yếu đi nhiều, nhưng Bác vẫn đến chúc Tết một số đơn vị. Sau khi thăm và nói chuyện với anh chị em chiến sĩ Quân chủng Phòng không – Không quân ở sân bay Bạch Mai, Bác lên đường chúc tết đồng bào Sơn Tây và trồng cây đa lưu niệm ở đồi Vật Lại – Ba Vì.

Không chỉ quan tâm đến việc trồng cây gây rừng ở trong nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn mong muốn việc làm đó phát triển ở các nước khác. Trong những lần thăm nước bạn, Người đều tổ chức trồng cây lưu niệm như: trồng cây đại Ấn Độ (1958), trồng cây sồi ở Nga (1960),… và gọi đó là những cây hữu nghị, nhân dân địa phương gọi là những Cây Bác Hồ. Các cây Bác trồng lớn lên theo thời gian không chỉ biểu hiện ý nghĩa Chính trị lớn lao của tình hữu nghị tươi thắm giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân trên thế giới mà còn thể hiện ý thức làm đẹp môi trường sống cho con người.

Nhận thức được giá trị thiết thực và ý nghĩa cao đẹp từ vấn đề Trồng cây bảo vệ môi trường tự nhiên mà Bác Hồ phát động, toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục duy trì và phát động phong trào trồng cây, gây rừng rộng rãi từ thành thị đến nông thôn. Trong đó, thanh niên, học sinh, sinh viên trong các nhà trường, học viện, trong tổ chức Đoàn thanh niên tham gia phong trào trồng cây xanh, tuần lễ xanh, Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ… nhằm phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, ngăn chặn lũ lụt, thiên tai, mang lại bầu không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cho cuộc sống của con người, góp phần bảo vệ môi trường, chống lại những tác động của biến đổi khí hậu. Làm tốt điều này chính là một trong những hành động thiết thực trong đẩy mạnh Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị.

Minh Tuấn

Bài liên quan
  • Tết của những người lính biển Đông Bắc
    Moitruong.net.vn – Tết là dịp để mọi nhà sum họp, đoàn viên nhưng những con tàu của Lữ đoàn 170, Vùng 1 Hải quân luôn sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng rời bến thực hiện nhiệm vụ bảo vệ mùa xuân trên biển. Chúng tôi có dịp cùng cán bộ, chiến sĩ trên các con tàu chuẩn bị đón xuân giữa biển, trời Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lời dạy của Bác về trồng cây bảo vệ môi trường