Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An cho biết, những ngày qua, mưa lớn kéo dài trên diện rộng, kết hợp lũ lên nhanh khiến nước tràn qua các bờ bao làm nhiều diện tích lúa, hoa màu, cây ăn quả của người dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười (Long An) bị ngập úng, thiệt hại nặng.
Tại các huyện Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, dù chưa có số liệu thống kê đầy đầy đủ, nhưng ước tính có hàng trăm hecta rau màu như: dưa hấu, mít, sầu riêng, bí đỏ, khổ qua… bị ngập, hư hỏng.
Bên cạnh đó, 3 xã biên giới của thị xã Kiến Tường gồm Bình Tân, Bình Hiệp và Thạnh Trị có 1.340 ha lúa Thu đông và Đông Xuân bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, toàn tỉnh Long An hiện có hơn 11.800 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả các loại có nguy cơ bị ngập úng trong những ngày tới.
Chính quyền các địa phương đang huy động lực lượng quân đội, công an, dân quân hỗ trợ người dân tích cực bơm tát nước ra khỏi ruộng, để giảm thiểu thiệt hại.
Tại các xã Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi (huyện Tân Hưng), xã Thạnh Trị (thị xã Kiến Tường), xã Bình Thạnh (huyện Mộc Hóa) và xã Bắc Hòa (huyện Tân Thạnh), mực nước ngoài kênh đang cao hơn mặt ruộng từ 1,5 - 2 m.
Ngành chức năng tỉnh Long An đánh giá, một số đoạn đê đang rất yếu, có nguy cơ xảy ra vỡ đê gây ảnh hưởng đến sản xuất.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Long An vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành tỉnh cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tập trung triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai bất lợi có thể xảy ra nhằm bảo đảm an toàn diện tích sản xuất, các công trình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi, đê điều, giao thông và các khu dân cư có địa hình trũng thấp, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng của người dân.
Huy động lực lượng thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban, theo dõi chặt chẽ, nắm bắt diễn biến từng loại hình thời tiết, thiên tai để tham mưu, chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả; đảm bảo thông tin được truyền tải đến từng ấp, khu phố và người dân; có phương án chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, đặc biệt là trường hợp mưa, bão, lũ kết hợp triều cường.
UBND các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh chỉ đạo các phòng, ban chủ động phối hợp với UBND các xã tổ chức kiểm tra, khoanh vùng, xác định cụ thể diện tích sản xuất nằm ngoài các đê bao, bờ bao, khu vực chưa có đê bao bảo vệ hoặc bờ bao chưa khép kín có nguy cơ xảy ra ngập úng để có giải pháp tổ chức sản xuất phù hợp, bảo vệ an toàn, giảm thiểu thiệt hại do mưa, lũ, ngập úng gây ra.
Đồng thời, khuyến cáo người dân chỉ xuống giống vụ lúa Thu Đông ở những vùng có đê bao, bờ bao bảo vệ đủ cao trình chống lũ; không xuống giống ở những khu vực ngoài đê bao hoặc đê bao có cao trình thấp, đê bao chưa khép kín. Đối với các diện tích đất không sản xuất lúa Thu Đông, sau khi thu hoạch lúa Hè Thu, tiến hành tháo lũ vào nội đồng để vệ sinh đồng ruộng, diệt trừ sâu hại và lấy phù sa.
Còn các huyện Thạnh Hóa, Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức, Thủ Thừa thì tổ chức rà soát, khoanh vùng diện tích sản xuất vùng chanh, cây ăn trái, cây trồng có giá trị kinh tế cao; kiểm tra, rà soát và khẩn trương xử lý, gia cố, nâng cao trình các tuyến đê bao, bờ bao xung yếu, khu vực trũng, thấp đảm bảo chống lũ cộng hưởng triều cường dâng cao.
Riêng các huyện vùng hạ lưu như Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ và Châu Thành thì sẵn sàng huy động, bố trí lực lượng tuần tra, kiểm tra, rà soát các tuyến đê bao, bờ bao xung yếu, có cao trình thấp không đảm bảo ngăn triều, có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, sạt lở để kịp thời xử lý gia cố, tôn cao, tránh để xảy ra sự cố tràn đê, vỡ đê đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Triều cường cao sẽ gây ngập tại những vùng trũng, thấp ven biển, cửa sông, khu vực ngoài đê bao, làm gia tăng nguy cơ sạt lở, vỡ đê và xâm nhập mặn, nhất là trong trường hợp kết hợp với nước dâng và sóng lớn do bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa có cường độ mạnh ảnh hưởng tới khu vực.
Các tình huống thời tiết thiên tai bất thường như: triều cường, ngập mặn, sạt lở đất... không chỉ khiến cuộc sống của người dân đảo lộn, mà còn làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh dịch và khả năng để lại những hậu quả hết sức nặng nề. Đặc biệt, khi môi trường ẩm thấp kéo dài và nguồn nước không đảm bảo vệ sinh sẽ là nguồn lây bệnh rất lớn.