Thời gian qua, hộ ông Nguyễn Văn Cưng và ông Lý Hoàng Trung ở ấp Bưng Ràm, xã Hưng Điền B được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chọn thực hiện mô hình “Nuôi cá đồng luân canh trên ruộng lúa trong mùa lũ” với diện tích 8.000 m2/hộ, thả nuôi cá lóc và cá trê.
Cá giống được thả nuôi tại ruộng của ông Nguyễn Văn Cưng vào cuối tháng 6/2019. Kết quả sau 5 tháng nuôi, tỷ lệ sống của cá lóc đạt trên 35% với trọng lượng 400 – 500gr/con, cá trê sống trên 50% với trọng lượng trên 300gr/con.
Sản lượng cá lóc là 800kg, giá bán 33.000 đồng/kg; cá trê 810 kg, giá bán 20.000 đồng/kg. Sau hạch toán kinh tế, hộ ông Nguyễn Văn Cưng còn lợi nhuận trên 16 triệu đồng.
Nông dân xã Vĩnh Lợi tham quan ruộng nuôi cá của ông Nguyễn Văn Cưng.
Tại hội thảo, nông dân đánh giá cao hiệu quả của mô hình, nhiều nông dân rất tâm đắc với mô hình và muốn thực hiện nhân rộng cũng như được hỗ trợ về kỹ thuật nuôi từ ngành chuyên môn. Được biết, 2 điểm mô hình “Nuôi cá đồng luân canh trên ruộng lúa trong mùa lũ” này được UBND huyện hỗ trợ 100% chi phí mua con giống với 10 triệu đồng/mô hình và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cử kỹ sư hỗ trợ về kỹ thuật trong suốt thời gian nuôi.
Ngoài ra, để nuôi cá đạt hiệu quả những điều cần phải lưu ý như sau: Phải đi nhiều điểm ương cá lóc giống, chọn những nơi có uy tín, cá phải khỏe mạnh, tương đối đều cỡ, trông bề ngoài cá mập mạp, tròn, có ánh màu xanh, không bị sây sát dị tật, nhất là trong đàn màu sắc phải giống nhau, không có con màu sắc khác… Khi cá được vận chuyển đến nơi, chưa nên cho cá ăn vội, để trữ cá một đêm, hôm sau tắm cá, và cho cá ăn kháng sinh phòng bệnh. Giữ nguồn nước luôn sạch, sau mỗi lần thay nước định kỳ nên xử lý nước để diệt các mầm bệnh bên ngoài xâm nhập vào. Chọn thời điểm nuôi thích hợp, để đảm bảo giá bán được cao, cụ thể có 2 vụ thả nuôi chính: tháng 8-9 và tháng 4-5 dương lịch.
Minh Anh (t/h)