Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 60.000 ha trong Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" vào năm 2025, tại cuộc họp báo thông tin tình hình KT - XH quí I/2024, tỉnh Long An mới đây.
Cũng theo bà Khanh, UBND tỉnh Long An đã ban hành Quyết định số 3176 về thực hiện triển khai Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh Long An cam kết vào năm 2025 có 60.000 ha và đến năm 2030, có 125.000 ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
"Long An có lợi thế là, trước đây đã thực hiện Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT). Long An còn có chương trình đột phá phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có đầu tư cho cây lúa. Tất cả các giải pháp kỹ thuật của các chương trình, dự án này phù hợp với sự chỉ đạo của Bộ NNPTNT về Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030", bà Khanh tự tin.
Ngoài ra, giai đoạn năm 2024 – 2025, Long An vẫn còn nguồn vốn bố trí hỗ trợ trên cây lúa. Long An sẽ đầu tư cho công tác tập huấn, và chuẩn bị các yếu tố kỹ thuật để triển khai Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030".
"Tỉnh Long An sẽ cho thành lập các tổ, như truyền thông, tổ các dự án, kỹ thuật, tổ công trình… để ứng theo yêu cầu triển khai Đề án 1 triệu ha lúa bền vững, chất lượng cao. Trong giai đoạn 2024 – 2025, theo tinh thần chỉ đạo chung của Bộ NNPTNT, Long An sẽ thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án đã có trên địa bàn với Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030", bà Khanh cho biết.
Thực hiện Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" trên địa bàn, tỉnh Long An sẽ hình thành 125.000 ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Theo Quyết định 3176, tỉnh Long An sẽ triển khai tại 8 huyện, thị xã của tỉnh, gồm: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường.
Đề án triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn một (2024 - 2025) tập trung củng cố các diện tích đã có của VnSAT trên địa bàn tỉnh là 60.000ha.
Tổ chức thực hiện công tác tập huấn, xây dựng kế hoạch, phối hợp xây dựng và triển khai, thực hiện hệ thống đo đạc - báo cáo - thẩm định (MRV), kiểm đếm và thí điểm cấp tín chỉ các-bon cho những vùng lúa đạt chuẩn; củng cố các hợp tác xã, duy tu bảo dưỡng một số công trình và chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn 2026 - 2030.
Giai đoạn hai (2026 - 2030), xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải mới ngoài vùng Dự án VnSAT và sẽ mở rộng thêm 65.000ha để hướng tới mục tiêu 125.000ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn này sẽ tập trung vào các hoạt động chủ yếu như đầu tư hoàn thiện hạ tầng cho những vùng diện tích mới, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện hệ thống MRV. Đồng thời, duy trì sản xuất bền vững ở những vùng Đề án trong giai đoạn 2024 - 2025.
Nguồn vốn thực hiện Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030", tỉnh Long An sẽ hình thành 125.000 ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, gồm ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh; nguồn tín dụng, nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn tài trợ không hoàn lại, nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn hỗ trợ quốc tế khác; nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.