Tín chỉ carbon - hướng mới trong phát triển kinh tế rừng ở Bắc Giang

Linh Đan|17/02/2024 15:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bắc Giang có hơn 160 nghìn ha rừng, chiếm 41,13% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, độ che phủ hơn 40%, địa phương đang nhân rộng mô hình rừng trồng gỗ lớn và thực hiện cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC).

Theo ông Phạm Trí Nam, Chi cục trưởng Chi cục BVMT (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang), diện tích rừng lớn là tiềm năng cũng như cơ hội của người trồng rừng đối với thị trường tín chỉ các bon. Bởi lẽ, rừng sẽ tạo ra nhiều tín chỉ các bon, trong khi đó thị trường các bon được coi là công cụ chính để giảm phát thải khí nhà kính và đang được nhiều tổ chức, quốc gia tham gia. Khi hình thành tín chỉ các bon từ rừng cũng sẽ tăng khả năng thu hút vốn từ các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu vào các thị trường khó tính như châu Âu.

tin-chi-carbon.jpg
Với diện tích rừng lớn, Bắc Giang có nhiều tiềm năng tạo ra tín chỉ carbon. Ảnh: Một góc rừng Tây Yên Tử (Sơn Động)

Hiện nay, dù thị trường tín chỉ các bon chưa vận hành, một số quy định về hàng rào thương mại liên quan đến tín chỉ các bon của các nước nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam chưa chính thức áp dụng song một số DN trong tỉnh đã chủ động sản xuất xanh, giảm phát thải khí các bon.

Ông Lưu Tiến Chung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LGG cho rằng, các tiêu chuẩn mới trong thương mại và đầu tư quốc tế đang dần được định hình đều theo hướng gắn với các tiêu chí giảm phát thải các bon, phát triển bền vững. Là DN hoạt động trong lĩnh vực may mặc, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường chính như: Mỹ, các nước châu Âu, Nhật Bản nên Công ty sớm quan tâm sản xuất xanh, đó là xây dựng các tiêu chí và được cấp chứng chỉ “Nhà máy xanh”. Đối tác của DN đều quan tâm đến việc BVMT, giảm phát thải khí nhà kính, vì vậy với việc sản xuất xanh giúp Công ty hợp tác thuận lợi, được khách hàng tin tưởng lựa chọn nhập khẩu sản phẩm.

Bên cạnh các doanh nghiệp, Bắc Giang triển khai hàng loạt các giải pháp giảm hiệu ứng nhà kính, đặc biệt là bảo vệ rừng, trồng rừng; chi trả dịch vụ môi trường rừng. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, Bắc Giang coi rừng là tài nguyên, lợi thế của tỉnh trong việc BVMT, phát triển kinh tế. Do đó, nếu thị trường tín chỉ các bon được hình thành sẽ là hướng đi mới trong phát triển kinh tế rừng của tỉnh, người trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng có thêm nguồn thu từ tín chỉ các bon. Những năm qua, Bắc Giang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho rừng trồng, bảo vệ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, đặc dụng để bảo vệ môi trường sinh thái, ngăn ngừa hiệu ứng nhà kính.

Tỉnh Bắc Giang đang thu hút một số dự án điện rác như: Nhà máy xử lý rác và phát điện Bắc Giang công suất xử lý 750 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, công suất phát điện khoảng 12 MW tại phường Đa Mai, TP Bắc Giang; xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn (Hiệp Hòa), công suất thiết kế xử lý chất thải rắn của nhà máy là 650 tấn/ngày… Những dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều tín chỉ các bon.

Rõ ràng, Bắc Giang có tiềm năng lớn tạo ra tín chỉ các bon dựa vào điều kiện địa hình, lợi thế rừng. Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, để thúc đẩy thị trường tín chỉ các bon, thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm. Trước hết Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm hoàn thiện cơ chế, hướng dẫn các địa phương, DN về sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các bon; cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon.

Về phía tỉnh Bắc Giang cần bố trí nguồn lực để phát triển các dự án xanh mang tính chất định hướng, dẫn dắt thị trường đầu tư. Tranh thủ nguồn lực quốc tế hỗ trợ qua quỹ tín dụng xanh và áp dụng công nghệ cũng như quy trình quản lý tiên tiến. Hỗ trợ DN và các bên liên quan có cơ hội được tiếp cận thông tin, kỹ thuật áp dụng để chủ động sẵn sàng tham gia thị trường các bon từ đó gắn việc sản xuất với xác định lượng phát thải.

Xây dựng và công bố lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn để có kế hoạch khả thi triển khai thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng xanh, góp phần bổ sung nguồn lực từ các tổ chức trong và ngoài nước nhằm triển khai các dự án xanh… Chuẩn bị nhân lực chuyên môn, hạ tầng và các điều kiện cần thiết để vận hành sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các bon. Tuyên truyền đúng, đủ về phát triển thị trường các bon tự nguyện và thị trường các bon tuân thủ.

Bài liên quan
  • Việt Nam tiến gần hơn tới thị trường tín chỉ carbon
    Dù Việt Nam chưa chính thức vận hành thị trường tín chỉ carbon nhưng hàng trăm dự án tín chỉ carbon theo các tiêu chuẩn quốc tế độc lập đang tấp nập triển khai. Không chỉ dễ dàng sớm đạt mục tiêu tham vọng về giảm phát thải khí nhà kính, việc sớm vận hành thị trường tín chỉ carbon sẽ đem lại nguồn tài chính lớn hàng tỷ USD để tiếp tục vận hành, phát triển các dự án tiềm năng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín chỉ carbon - hướng mới trong phát triển kinh tế rừng ở Bắc Giang